Chiều cuối năm, Con sông Đáy hình như lặng lẽ hơn:
nước trong vắt, sóng gợn nhè nhẹ, mấy vạt hoa cải vàng
trên bãi run rẩy trong gió lạnh. Chiếc vó bè nhà ai đã
chống ngược khắc vào nền trời xám một nét cong tĩnh
lặng... Bến sông vắng hẳn sau suốt cả ngày ồn ã, đông
vui. Năm nào cũng thế, đã thành lệ, ngày cuối năm,
mọi người trong thôn đều ra bến sông giặt giũ mặc
cho bây giờ nhà ai cũng có giếng sạch nhưng có lẽ
những buổi giặt bên sông mới gặp nhau đông đủ
thế, chuyện trò râm ran, tiếng nói rộn rã cả một khúc
sông và lệ đó bỗng trở nên như một ngày hội của làng!
Huệ là một trong những người ra bến sông muộn
nhất. Cả ngày hôm nay, chị phải giải quyết bao nhiêu
việc của xã, nào là duyệt phương án thuỷ lợi, rồi
lại làm việc với ban văn hoá thống nhất kế hoạch văn
nghệ phục vụ Tết, rồi hội ý Thường vụ suốt cả
buổi chiều nay. Giờ mới rảnh rang một tý, ấy là
mọi việc trong nhà đều có bố con con Lan lo cả rồi,
Huệ mới cắp chậu quần áo của bố con nó ra sông!
Thấy chị ném mấy bộ quần áo vào chậu, Sửu liền
nhăn mặt:
- Thôi! cứ để mặc đấy, giặt ở nhà....Mẹ nó
lạ nhỉ!
Huệ quay ra nhìn chồng mỉm cười:
- Mấy khi chị em chúng tôi gặp nhau ở bến sông để
vui vẻ như hồi trẻ... Có ông lạ thì có!
Nói rồi, chị quày quả cắp chậu quần áo bước đi.
Ngoài bên chỉ còn lác đác dăm ba người. Thấy Huệ,
mọi người reo: "A! Bà chủ tịch cũng ra muộn vậy
a!". Cùng với tiếng reo là tiếng đập quần áo
bồm bộp.
Huệ chào mọi người, lặng lẽ ngồi xuống tảng đá
xanh bên bờ sông, dìm cả chậu quần áo cho đầy nước
rồi đặt bên cạnh, đổ xà phòng bột vào nhào nhào...
Muộn rồi, cái Sim, cái Nụ chắc ra từ trưa, lứa thanh
niên xung phong cùng với Huệ ngày đó có Sim và Nụ ở
lại làng, mấy đứa đi lấy chồng nơi khác, còn năm đứa
vẫn nằm ở nghĩa trang Hồ Xá, Vĩnh Linh... Ngày xưa, cũng
ở đây, những buổi cuối năm như thế này cả lũ kéo
nhau ra vừa ngồi vừa giặt vừa té nước đùa nhau cho
tới khi tối mịt. Vui thật. Rồi cả lũ của Huệ vừa
học hết lớp 7 đều rủ nhau đi thanh niên xung phong và
được ở cùng một đại đội: Những ngày giải toả hàng
ở ga Văn Điển; ga Nghĩa Trang, những ngày hành quân về
Lang Chánh, Như Xuân... Lần đầu nhìn thấy hoa chuối
rừng; cả lũ cùng reo lên: "Chúng mày ơi! Rừng xanh
hoa chuối đỏ tươi kia kìa!"... Lúc nào cả lũ cũng
ở bên nhau, chả còn thấy nhớ nhà mấy nữa..Vậy mà
đến Vĩnh Linh khi đơn vị về giải toả cho kho hậu
cần bên kia sông Sa Lung gần Phà Lê Thị Hiếu thì cũng
chiều như thế này, đúng lúc cả lũ kéo nhau ra bờ sông
tắm giặt thì máy bay Mỹ ập đến! Những tiếng gọi
nhau thất thanh "Nụ ơi!...Sim ơi!..." lạc đi
trong tiếng bom nổ chát chúa và từng cột nước sông Sa
Lung đổ ào ào lên chân đồi...
Huệ tỉnh lại khi đã nằm trên giường bệnh ở
trạm phẫu thuật tiền phương. ánh mắt đầu tiên Huệ
bắt gặp là ánh mắt của người con trai đang lo lắng
nhìn cô và nói với bác sĩ:
- Báo cáo thủ trưởng! Tôi đã điều trị theo đúng
phác đồ và bây giờ có lẽ đồng chí ấy đã tỉnh.
- Tốt! Tiếp tục theo dõi và cho uống thuốc an thần!
- Rõ!Anh chàng dậm chân, giơ tay chân như ngoài bãi
tập. Huệ suýt nữa thì phì cười...
Tết năm ấy, Huệ ăn Tết ở trạm phẫu. Anh chàng y
tế thật hiền và quý Huệ lắm: Anh tìm được ở đâu
cả một cành hoa mận trắng tinh về cắm vào vỏ đạn
12 ly 7 đặt cạnh giường Huệ. Anh hơn Huệ có dễ năm
bảy tuổi, chững chạc, ít nói. Anh tên là Đức, tốt
nghiệp lớp 10 xong là nhập ngũ, đâu là người Thanh Ba,
Vĩnh Phú... Huệ cũng chỉ biết về anh có thế... Sau ba
tháng điều trị, Huệ xuất viện. Hôm ấy, anh Đức
bảo: "Tiếc quá, đồng chí ra viện lại hết mùa
hoa mận rồi, nếu không, tôi dẫn đồng chí đi thăm
rừng mận. Ngoài ta, khó tìm được một rừng mận như
thế!...". Ghét không! Lúc nào cũng "đồng chí!,
đồng chí!" Huệ nguýt anh một cái rồi bảo:
- Anh có thể đưa em một đoạn được không?
- Hai người đi qua mảnh đồi đầy mảnh bát. Huệ bâng
quơ:
- Anh đã uống nước hoa mảnh bát chưa?
- ờ anh, đất Thanh Ba, đâu có thiếu gì, nhưng nhiều
chè lắm nên chưa bao giờ dùng đến nó ...
Bỗng anh chững lại, giật mình:
- Huệ ơi! Tôi phải quay lại Trạm thôi, đến giờ
rồi... Huệ cứ đi theo con đường trước mặt, đến...Chúc
"đồng chí" bình an, mạnh khoẻ!...
Và giọng anh buồn buồn:
- Huệ giống em gái tôi quá!... Nó hy sinh trong trận
bom Mỹ đánh cầu Việt Trì!... Thôi, tạm biệt em!...
- Lần đầu tiên, anh gọi Huệ là em! Lúc ấy, Huệ
muốn được khóc mà không sao khóc được... Đi xuống
chân đồi, Huệ nhìn lại, vẫn thấy anh đứng đó, bàn
tay vẫy vẫy... Hoa mảnh bát trắng mờ trên đồi...
Bây giờ, mỗi lần ra bến sông ven làng, Huệ lại
nhớ đến những bạn gái cùng lứa thuở ấy, nhớ sông
Sa Lung với buổi chiều cuối năm kinh hoàng cùng kỷ
niệm mơ hồ về người con trai đất Thanh Ba, Phú Thọ
kia.
Chiều đã sẩm tối. Huệ giật mình khi thấy cả
bến sông còn lại mình mình. Tháp chuông nhà thờ ở thôn
bên sông chỉ còn là cái bóng khổng lồ in đậm vào
nền trời. Tiếng chuông lễ chiều dóng diết khua động
mặt sông vắng.
Bên ấy với bờ bên này cùng một xã. Bên này là Lương,
bên ấy là Giáo. Cái thôn giáo nghèo bên sông giờ đã
thay đổi nhiều. Xóm đạo vạn chài cũng dựng nhà vào
ở trong thôn cả rồi. Chỉ có điều nhà thờ xứ từ
ngày vị linh mục già bên ấy về nước Chúa hồi 1997,
mãi đến cận kề mùa xuân đầu thế kỷ này mới có
vị linh mục mới. Bà con phấn khởi lắm, nghe đâu vị
linh mục này được phong chức mấy năm nay, việc đạo,
việc đời đều hăng hái!...
Vừa tan chầu về, chưa kịp cởi áo lễ thì ông chánh
trương đã báo:
- Trình cha, tý nữa đoàn đại biểu xã tới chúc
tết cha!...
Thế là lại giữ nguyên phẩm phục, cha bảo hai cậu
giúp lễ lo sắp xếp bàn ghế, bánh kẹo chuẩn bị
tiếp khách. Vừa xong, đã thấy tiếng cụ Chủ tịch
Mặt trận xã oang oang:
- Chúc mừng năm mới linh mục!
Và đoàn đại biểu của xã do Huệ dẫn đầu đã bước
vào sân nhà xứ. Vừa nhìn thấy vị linh mục, Huệ đứng
ngớ ra:
- Ôi!...có phải anh!
Linh mục cũng chạy ra reo lên:
- Đồng chí!....Đồng chí!...
Không ai hiểu ra làm sao cả!
Một ý nghĩ như tia chớp loé trong đầu Huệ: "Anh
ấy đi làm linh mục?! Linh mục là anh ấy ư? Thì ra anh
ấy là người công giáo, đi bộ đội về, hẳn anh ấy
đi học chủng viện để làm linh mục...Thảo nào".
Những cánh hoa mảnh bát lại chập chờn trở về.../.
NPN