Xe qua cầu Quán Hàu thì dừng lại, lão Trung lập cập
xách valy bước xuống. Chiếc xe nhẹ lướt sau lưng lão
tự lúc nào, để lại con đường nhựa bóng loáng với
hai lề cỏ xanh mướt. Trái tim đập rộn lên, khiến lão
phải dừng lại một lúc để trấn tĩnh. Đoạn, lão
chỉnh lại chiếc cà vạt, vuốt lại bộ comlê cho ra dáng
Việt kiều về nước, run run rẽ xuống con đường đê.
Mặt đê mềm cỏ chỉ sau mưa, như tấm thảm xanh ai lót
ra đón lão. Làng Lương Hạ của lão ở kia, một vệt
xanh bên bờ sông Nhật Lệ, ẩn trong những luỹ tre,
những ngọn bạch đàn cao vóng và những bờ chuối xanh
thẫm đang làm ngốt ngát cả hơi thở lão. Lão đưa
mắt nhìn quanh. Không có bóng người. Như đứa trẻ chăn
bò, lão thả chiếc valy ra đất và đổ sập người
xuống, dang hai tay úp lên mặt cỏ, quên hẳn mình vừa
từ một thành phố hoa lệ ở bên kia trái đất trở
về...
Chao ôi, biền biệt ba mươi năm xa quê và hai mươi lăm
năm xa xứ, thằng Trung đã trở về đây. Đê ơi. Cỏ ơi.
Sông ơi. Và người con gái ấy ơi... Bao nhiêu nước đã
chảy chân cầu... Người lão rung lên, nghẹn nấc. Lão
miết cái mặt nhăn nheo vào đất và bấu chặt hai bàn
tay gân guốc vào cỏ. Lão hít thở không biết chán cái
mùi đất bãi nồng nồng lẫn với mùi cỏ tươi ngan ngát
và thoang thoảng mùi bùn triền sông đang gờ nước
rặc.
Ngày Trung cầm súng ra đi, con đê bom vằm tan nát, tre
làng cháy loang lổ và chiếc cầu Quán Hàu bắc qua sông
bom hất tung để lại những trụ lim lầm lì. Thắm đã
đưa anh qua sông bằng đò nhà, ngay ở quãng sông này. Đang
kỳ nước rặc, bãi sông trơ ra hàng chục bước chân.
Hai người phải hì hụi kéo thuyền lên neo tận trớn nước
cũ. Thắm xắn hai ống quần lên quá gối và vuốt hai
ống tay váo vào quá khuỷu như mỗi lần đi bắt còng
bắt cáy, con thuyền trườn đi trên bùn non theo sự điều
khiển của nàng. Ba mươi năm xa, người đàn ông vẫn
nhớ đôi bắp tay bắp chân tròn lẳn và rám nắng của
người con gái miệt sông này... Hoá ra, lúc đó Thắm đã
có mang thằng Hiếu, mà cả đôi vợ chồng trẻ vẫn không
hay biết.
Như sực nhớ điều gì, lát sau, lão Trung lồm cồm bò
dậy, môi vẫn dính vài lá cỏ và khuôn mặt đầm đìa
nước mắt ửng lên vì cảm động, vì mừng tủi và vì
mãn nguyện. Hoàng hôn bắt đầu loang trên mặt sông
một màu tím nhạt. Sương như đám tơ mỏng vương nhẹ
dưới chân dãy Thần Đinh mờ xa. Đôi cánh chim di mải
mốt bay vào nền trời mây trắng lô xô như vẩy cá phương
Nam và cánh đồng bên kia sông lúa đã uốn câu liêm
trải dài đến tận làng Kim Nại, Thù Thứ đang lên khói
bếp... Tất cả mang vẻ đẹp yên bình, hồn hậu nơi thôn
dã lão mang theo ba mươi năm qua, giờ đang hiển hiện
bằng xương bằng thịt trước mắt lão. Thế đấy, lão
phải đi nửa vòng trái đất với gần trọn đời mình
vì một cuộc chiến, mới đến được những giá trị
cao sang và chân mộc thuở ban đầu của nó.
Không muốn vì sự xuất hiện của mình gây xôn xao thôn
xóm, nhưng lại sợ trời tối, lọ mọ tìm không ra nhà,
lão đứng dậy, sửa sang áo xống và xách va ly bước đi.
Lão muốn về nhà vào lúc tranh tối tranh sáng, vừa đủ
không ai nhận ra mặt, nhưng mình đủ nhận ra cái ngõ xưa.
Làng lão ở trên vùng đồi cao, con đê chạy vào giáp làng
thì gặp con đường trục ngoặt ra hướng Bắc. Đường
làng đã thay đổi nhiều lắm, nhiều đoạn đổ bê tông
rộng rãi và tinh tươm như ngõ phố. Vườn vẫn tre,
vẫn mít nhưng đây đó nhà mái bằng, một số đã lầu
cao kiểu dáng tân thời và trang nhã. Không tìm đâu ra
một mái tranh và không còn dấu vết sự đổ nát, hoang
tàn và khét lẹt mùi bom ngày lão đi.
Lầm lũi đặt những bước chân hồi hộp buồn vui và
khiêm nhường vào sát mép đường, nhường chỗ cho lũ
trẻ con giong bò về chuồng và người làm đồng về
vội vã, lão Trung chăm chú tìm cái lô cốt Pháp nằm phía
tay trái. Đây rồi. Ngày xưa, khi Mỹ ném bom, cái lô
cốt này trở thành điểm trực chiến của dân quân xã.
Tại đây, trong một đêm trực mùa hạ, Trung đã quen người
con gái ấy. Từ lô cốt này, đi bộ trăm mét nữa, là
đến nhà lão, nằm trên tay phải, nơi ngày xưa có hàng
chè tàu thay bờ giậu.
Trái tim lão chợt đập rộ lên trong lồng ngực và bước
chân trải bốn phương trời đây cứ ríu lấy nhau, khi
nhìn rõ bờ chè tàu được xén vuông vức cẩn thận
hiện ra trước mặt lão. Chao ôi, bao năm trời mà người
ấy vẫn giữ gìn cho lão y nguyên tất cả, ngôi nhà ngói
ba gian, hàng cau trước sân và khóm cam cuối vườn. Chỉ
khác là, con đường giữa hai hàng chè tàu hình chữ L và
sân đã lát bằng xi măng và cái sân hẹp cũng được đổ
bê tông rộng rãi. Hàng cau ông trồng ngày cưới vợ,
giờ cao vút vượt hai ba lần nóc nhà. Cái nhà ngói cũng
khác. Ngày ông đi nó được dựng lè tè trên nền đất,
cố ý ẩn dưới tán cây khế sum suê, bốn vách bằng đất
nhồi rơm, giờ đây nó ở trên một nền móng bằng đá
bề thế và cao vượt hẳn cây khế già. Nó còn được
xây liền với cái nhà ngang dùng làm bếp cũng khá hài
hoà. Cạnh đấy là cái giếng nước ngày xưa bằng đất,
giờ được đặt những ống bi tròn. Và hình như ai đó
đã thiết kế một nhà tắm, phía trên có san-tô-nô đựng
nước rất đẹp. Tất cả sự thay đổi này khiến lão
Trung do dự, sợ rằng Thắm gặp cơn túng khó đã bán ngôi
nhà cho ai từ lâu. Nhà bếp thì đã sáng đèn, nhưng nhà
trên vẫn còn tối om.
Lão xăn văn, định quay lui thì từ ngoài vườn tiếng
một phụ nữ cất lên:
- Răng ông chưa chịu vô nhà?
- Thắm đó à? Tui đã về đây...
Lão Trung thả va ly xuống đất, lật đật chạy đến
định nâng tay bà Thắm đang từ ngoài vườn bước lên
sân. Nhưng khi hai người kịp nhìn vào mặt nhau một giây
trong bóng tối nhờ nhờ, và tay ông sắp chạm tay bà, thì
bà vội quay ngoắt người, cầm theo nắm sau khoai vừa hái
được, bước vội vào nhà ngang. Ông nhìn theo lắc đầu,
hiểu là bà chưa dễ tha thứ.
Điện tức thì được bật lên trong ngôi nhà ba gian tươm
tất. Trên bàn thờ ở gian giữa, ảnh cha mẹ ông Trung
được phóng to lồng trong khung kính, đang đăm chiêu nhìn
ông. Ông thấy mình có lỗi rất lớn, vội vàng châm nén
hương và sụp lạy rất lâu trước bàn thờ. Từ nhà
ngoài, qua cánh cửa nách khép hờ, bà Thắm không bỏ sót
một cử chỉ nhỏ của ông.
Bữa cơm tối được nhanh chóng dọn ra. Bà Thắm dè
dặt cầm đũa, còn ông Trung tự nhiên nhưng chưa từng có
ba mươi năm xa nhà. Ông chấm những ngọn rau khoai luộc
mềm và xanh biếc vào bát nước mắm cay, rồi và cơm
nhai như thanh niên. Rau hết, ông rưới nước mắm cáy lên
mặt cơm, vừa ăn vừa hít hà thích thú.
- Từ từ thôi - Bà nhìn ông ăn, lườm yêu - Đi nước
ngoài về, mà cứ như...
- Ngon lắm! Bên ấy không bói ra thứ này đâu!
Dầu chưa thể tự nhiên, nhưng cả hai cùng đỏ mặt.
Bởi, ngày tiễn ông ra mặt trận, bữa cơm cũng chỉ rau
muống luộc chấm nước mắm cáy, nhưng thư nào của ông
gửi về cũng cứ nhắc hoài. Ngay cả khi Sài Gòn giải
phóng, thư về ông vẫn ao ước có được ít chai nước
mắm cáy, khiến bà Thắm lặn lội mang vô. Nhưng sự
thể lúc đó đã không còn như trước, nên bà lại lễ
mễ mang ra. Ba chai nước mắm cáy ấy, mùa nắng bà đem
phơi, mùa mưa đặt cạnh bếp lửa, đỏ hồng như màu
mật ong. Bà cất chờ đã hơn hai mươi năm nay.
Gần cuối bữa, bà Thắm dè dặt hỏi:
- Ông về được mấy ngày?
- Về hẳn!
Không nhìn bà, ông đáp gọn. Bà Thắm dọn bát đũa và
bê ấm nước chè xanh màu mật ong rót đầy ra ly, lại
buông câu thăm dò:
- Răng ông về có một mình?
Ông Trung hơi sững người một giây, nhìn sâu vào
mắt vợ, lát sau ông hỏi lại:
- Thế bà bảo tui còn về với ai?
- Thế... cái cô Diệu Thuý có cái môi tô đỏ và khoé
mắt tô xanh hồi đó...
Bà Thắm nói lí nhí, không biết mình vừa nói gì.
Giải phóng rồi, ai cũng lao xao lô xô về nhà, riêng
mỗi ông Trung chồng bà không thấy về. Một năm sau
nữa vẫn bặt vô âm tín. Tin đồn bay về làng ông Trung
sa ngã trước lối sống xã hội cũ, lao vào ăn chơi
truỵ lạc, nợ nần giờ như chúa chổm. Bà Thắm lòng
như lửa đốt. May có người làng cùng đơn vị ông
Trung cho biết địa chỉ, thế là bà, hai tay hai đứa con
dại, bươn bả đi tìm chồng. Bà cẩn thận ràng rịt ba
lít nước mắm cáy ngon nhất mang theo.
Lời đồn đại quả không sai. Những tưởng vợ
chồng, cha con sum vầy sau bao năm đạn bom xa cách, ai
ngờ gặp nhau cứ sượng sùng như người dưng nước lã.
Ông Trung báo cơm cho vợ con ở bếp ăn tập thể của
bộ đội. Ban ngày, nói là bận công tác ông đi mất tăm.
Tối đến, ông chân nam đá chân chiêu về nhà, rồi nôn
thốc nôn tháo, rồi lăn ra ngủ như chết, cho đến sáng.
Tóc tai bờm xờm, trùm tai trùm cổ, đi đứng lấc láo
như một gã cao bồi. Ai nói cũng không nghe. Trông ông không
còn dáng một sĩ quan hậu cần của tiểu đoàn nữa.
Một hôm, bà tha thiết nhắc ông về sớm ăn một
bữa cơm với các con, ông nhận lời. Chiều đó, bà
chuẩn bị món rau khoai luộc chấm nước mắm cáy mà ông
ưa thích. Bà rất mừng vì ông đã giữ lời hứa. Nhưng
khi vợ chồng, con cái vui vẻ ngồi vào mâm, chợt nhiên,
ngoài ngõ bóng một cô gái xinh đẹp, phấn son loè loẹt
thoáng qua. Bà chưa kịp hiểu ra ám hiệu của họ là gì,
đã thấy ông Trung bỏ bát đũa, vội vàng mang áo ra đi.
Hôm sau, ba mẹ con khăn gói lên tàu trở ra, ông Trung
vẫn chưa về để chia tay mẹ con bà. Đó là những ngày
cuối cùng của vợ chồng, cha con gặp nhau. Người lính
đưa mẹ con bà lên tàu nói rằng, đó là một trong mấy
bồ nhí của ông.
Tầm bậy. Đâu có! Ông Trung chối.
Nhưng hai tháng sau, quân cảnh đã ập vào nhà bà, tìm
bắt ông Trung. Họ mang theo lệnh truy nã, lệnh tước quân
tịch ông Trung về xã. Hay tin, bà Thắm đổ sụp xuống
như một xác chết. Không ngờ, ông Trung lại trượt dài
đến thế. Ông bán cả vũ khí, khoắng cả tiền đơn
vị mới lĩnh về và cả tài liệu mật, rồi bỏ trốn
không tăm tích.
Hơn thế nữa, mấy tháng sau, người ta báo tin dữ
về xã, ông Trung đã vượt biên sang một nước bên kia
bán cầu đã từng xua quân xâm lược nước ta. Gia đình
bà không cách chi rửa được vết nhơ nặng nề đó. Công
lao của bà bao năm đổ xuống sông. Con cái bà không
cất mặt nổi với bạn bè. Chúng âm thầm đau đớn
chịu đựng bao thua thiệt. Không ai nghĩ ông Trung có ngày
lại trở về...
Bữa cơm trưa hôm sau có cả hai con trai ông, được
dọn trên chiếc chiếu lớn trải giữa nhà. Ông Trung
hồi hộp chờ đợi cả buổi. Khi chúng đến, ông muốn
lao ra ôm chầm lấy từng đứa, âu yếm, hôn hít chúng
như còn trẻ dại, cho bõ bao năm thương nhớ. Nhưng chúng
chỉ chào hỏi ông qua loa, và cố ý không gần gũi lắm.
Thằng Hiếu, con trai đầu của ông đã ngoài ba mươi, làm
cán bộ hợp tác, đã vợ con nhà cửa ổn định. Còn
thằng Nghĩa, con trai út của ông, làm ở nhà máy xi măng
Linh Sơn, cũng sắp lấy vợ. Thằng Nghĩa có được trong
một đêm mưa gió, khi ông hành quân từ nơi huấn luyện
vào Nam, được phép ghé thăm nhà mấy tiếng đồng hồ.
Chúng đều cao lớn, khoẻ mạnh và có nước da của người
đồng bãi quê ông.
Sau vài tuần rượu, hai con trai của ông có vẻ cởi
mở hơn:
- Chừ cha về, có chương trình chi không? Thằng Hiếu
ôn tồn hỏi.
Ông chưa kịp trả lời, thằng Nghĩa đã nhìn xéo qua
chiếc va ly nhỏ của ông đặt ở đầu giường trên, nói
kháy:
- Cha về quê lần ni, định đầu tư vào cái gì?
- Không. Cha chỉ dưỡng già thôi - Ông trả lời, hơi
tự ái.
- Nếu chỉ thế, sao năm xưa cha bỏ đi chi cho xa vậy?
- Thằng Nghĩa hỏi mỉa mai.
- Nghĩa! Cha con mới về... Bà Thắm lo lắng ngăn con
trai. Nhưng thằng Nghĩa hình như không giữ được uất
ức bấy lâu trong lòng.
- Cha có biết, khi cha vui thú cùng vợ bé vợ mọn bên
ấy thì anh con thi đại học vượt điểm đi học nước
ngoài, vẫn không được báo học đại học trong nước?
Buồn quá, con cũng bỏ thi đại học, đi làm công nhân.
Hai chúng con phấn đấu cật lực, giờ vẫn chưa được
vào Đảng... Tưởng cha làm vương tướng gì bên đó hoá
ra, cuối đời lại đem nắm xương già về báo hại
mẹ!
- Nghĩa! Không được hỗn!
Bà Thắm mắng con, lời nhỏ, nhưng đanh. Bữa cơm
lắng xuống.
- Cha xin lỗi các con. Cha xin lỗi. Cha...
Ông Trung nghẹn ngào, đưa hai tay bưng mặt, nước
mắt rỏ ra qua những kẽ tay gân guốc, già nua. Thắng
Hiếu vội đỡ lấy ông:
- Con xin lỗi cha. Em con quá lời.
Thằng Hiếu đỡ cha đến ngồi trên chiếc ghế đẩu
và rót cho ông ly nước lọc. Không khí gia đình căng
thẳng và sượng sùng.
Đêm ông Trung không ngủ được, lục cục dậy gói
quần áo. Từ gian dưới, bà Thắm cất tiếng hỏi:
- Ông định đi đâu?
- Tui định sáng ra ga lấy vé tàu đi...
- Thôi, chuyện qua rồi. Ông về được đây là quý
rồi. Tui không để ông đi lần nữa.
Nhưng ông Trung không nghe, ông nhất quyết ra đi. Ông
đã mua vé chuyến tàu 2 giờ chiều. Bà Thắm vội lo
bữa cơm trưa cho ông.
Khoảng 10 giờ trưa, khi cơm sắp dọn ra, chợt ngoài
đường cái có chiếc xe nhà binh đỗ lại. Tiếng người
lao xao ngoài ngõ. Bà Thắm vội nháy mắt cho ông trốn ra
phía cửa sau. Nhưng ông chưa kịp hiểu ra, thì một tốp
ba sĩ quan đã bước vào sân. Bà Thắm hoảng sợ, mặt
cắt không ra hạt máu, nhưng đã kịp đứng chắn trước
mặt ông, hai tay khuỳnh khuỳnh như hai chiếc cánh của
con gà mẹ; ý chừng không cho ai đến bắt ông. Ông Trung
hình như không biết điều ấy, liền đứng lên định
chào khách, thì cả ba quân nhân nhất loạt rập gót giày,
đưa tay lên vành mũ, chào. Một người trong bọn họ lên
tiếng:
- Báo cáo đồng chí đại tá. Chúng tôi được lệnh
đón đồng chí từ chiều hôm kia, ở Hà Nội. Nhưng không
tìm thấy đồng chí. Đồng chí Cục trưởng đoán chắc
đại tá nhớ nhà quá, đã nhảy xe giữa đường, liền
phái chúng tôi chuyển đồ đạc vào cho đồng chí và
xin ý kiến đồng chí.
Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Giờ xin được dưỡng
già ở quê.
Ông Trung nói và tươi cười quay lại định giới
thiệu vợ với đồng đội, thì bà Thắm đã rũ xuống
như tàu lá héo trên tay ông. Sự việc diễn ra ngoài
sức chịu đựng của bà./.
Hữu Phương