Ô tô con chui qua cổng chống rúc đầu sát cây rơm
rồi xe lùi rê đít gần cây nhãn đỗ gần bờ rào toàn
các giống cây gai: ô rô, đùm đũm, mây sòng sọng và
chanh ma có nhiều bụi tơ hồng như những đống dây ni lông
vàng chất đống bên trên. Hoàng mở cửa ô tô cho mọi
người ra khỏi xe rồi nói:
- Nhà con đây rồi. Mời thầy cô xuống xe ạ.
Ông bà Hành và mọi người từ trong nhà đổ ra sân
đón khách.
Hoàng chào bố, mẹ và mọi người rồi hai bàn tay
ngửa về phía khách, anh nói:
- Đây là giáo sư Nguyễn Tân, thầy dạy con ở đại
học nay lại là Viện trưởng, sếp của con. Đây là cô
Lan, vợ thầy. Còn đây là con gái thầy cô, bạn con.
Ông Hành xoa hai bàn tay, nói:
- Quý hoá quá, xin được đón quý vị vào nhà xơi nước.
Rồi ông quay lại nói với đám người nhà: "Xách
các thứ của khách vào nhà chúng mày. Đứng đực mặt
ra thế".
Ông giáo sư bắt tay ông Hành. Bà Hành một tay đỡ
lấy túi xách cho bà giáo sư, một tay xách quai túi xách
đang được Tuyết Anh ôm khệ nệ bên sườn. Bà vừa đi
vừa nhìn từ đầu đến chân cô gái xinh xắn, da dẻ
trắng như ngó cần, rồi mỉm cười nói:
- Ra cháu là Tuyết Anh đang tìm hiểu thằng Hoàng nhà
bác đây ư? Nó lớn người, học đến bằng tiến sỹ
xịn mà còn ngốc nghếch lắm, cháu ạ. ở nhà vẫn
gọi tên nó là thằng Tỏi. Bố Hành con Tỏi mà cháu -
Quay nhìn bà khách, bà Hành nói tiếp - Vợ chồng nhà cháu
hiếm hoi, được mỗi nó là con trai, đặt tên xấu xí
cho dễ nuôi, bà ạ.Bà khách gật đầu. Tuyết Anh nhìn
Hoàng cười, gọi:
Chủ và khách lên thềm phải đi lựa khỏi dẫm nát cà
chua chín. Trật cà chua cuối vụ được hái quả dỡ dây
lấy đất kịp cấy lúa đông xuân muộn. Cà chua bày la
liệt ngoài thềm và nền nhà chỉ chừa những lối đi
nhỏ quanh giường và bàn ghế. ở những đống quả xanh
được để gói đất đèn đắp tải kích chín kịp bán
Tết. Căn nhà vì vậy chật ních và bề bộn. Hoàng nhìn
nhà cửa, lắc đầu, nhăn trán nói với cậu, em mẹ:- Hôm
qua cháu điện về không biết họ có nhắn đến cậu không?
- Có.
Hai cậu cháu vừa nói vừa đi ra phía toa lét. Hoàng
lắc đầu nhăn trán khi thấy trong đó để lỉnh kỉnh cày
bừa cuốc xẻng. Cạnh cái chậu xí bệt sứ bóng lộn
lại kê hai chồng gạch chỉ làm chỗ ngồi và để giành
gio hứng phân và xô nhựa hứng nước tiểu.
- Việc này thì anh phải thương thuyết với bố anh.
Cậu chịu.
Ông Hành bật điện vào bình nóng lạnh rồi mời khách
ra rửa mặt. Thấy Hoàng nhăn nhó với cậu nó, ông nói:
- Chỉ bỏ cày bừa ra ngoài thôi. Còn cái giành, cái xô
cứ để đấy cho tôi.
Ông giáo sư cười, gọi Hoàng ra một góc nói nhỏ:
- Em thiếu thực tế lắm. Về nông thôn, em đừng áp
đặt lối sống tiện nghi của thành phố, nghe chưa?
- Dạ, mong thầy thông cảm ạ.
- Thời kháng chiến chống Pháp, thầy hoạt động ở
vùng này còn lạ gì.
Cũng vì đưa vợ con về thăm vùng kháng chiến xưa mà
giáo sư mới có cớ đến đây để tìm hiểu hoàn cảnh
gia đình cậu học trò và là chàng rể tương lai của mình.
Hoàng yêu Tuyết Anh, con gái ông từ hồi cậu ta còn là
sinh viên. Ra công tác mấy năm lại ra nước ngoài nghiên
cứu làm luận văn tiến sỹ mất dăm bảy năm, trở về
Viện công tác gần hai năm rồi mà hỏi đến chuyện cưới
cheo, cả hai đứa cứ xin khất để thư thư.
Ông có ngôi nhà ba tầng đều có công trình phụ khép
kín đủ cho 3 gia đình nhỏ sinh sống. Vợ chồng ông
chỉ có hai con gái, ắt hẳn nếu hai đứa cưới xong đã
có chỗ ở ngay. Nhưng Hoàng vốn tự trọng đến sĩ
diện không muốn ở rể. Con gái ông cũng rất phù
phiếm thích chơi bời, mùa hè nào cô cậu cũng đi du
lịch nên cóp nhặt được đồng nào tiêu vào du lịch
hết, còn đâu tiền mua nhà, cưới vợ.
Cũng chẳng bao giờ Hoàng đưa bố mẹ về Hà Nội để
ông được gặp. Ông vốn rất quý Hoàng ở tính ngay
thẳng, sởi lởi nhưng cậu ta cả tin dễ bị bè bạn
lợi dụng. Vì quá tốt với bè bạn nên kiếm nhiều
tiền vẫn không tích cóp được. Có lẽ lúc nào cũng đợi
có nhà riêng, giàu có mới cưới vợ chăng? Dù tin Hoàng
đến đâu, ông vẫn không khỏi lo cho sự nhỡ nhàng
của con gái mình. Vì thế chuyến đi này với một mũi tên,
ông nhằm bắn hai đích. Ông bảo Hoàng:
- Em bảo gia đình đừng bày vẽ ăn uống tốn kém nhé.
- Có gì đâu ạ.
Trong khi ấy, ông Hành chỉ tay vào trong bếp nói với
các em, các cháu:
- Tao phân công rồi, đứa nào vào việc ấy hộ bác.
Tức thì tiếng lợn gà kêu ký quác, tiếng mâm bát
soong nồi va vào nhau loảng xoảng. Hoàng vẫn ở khu toa lét
lo dọn dẹp cho sạch sẽ. Ông Hành đến gần con trai, nói:
- Xin anh cứ để giành phân ở trong này cho tôi nhờ.
- Bố để thể này bằng cảnh cáo con. Nếu vậy, con
mời khách đi ngay, sẽ không cưới vợ nữa.
Ông Hành há hốc mồm nhìn con trai. Người em cậu can
ngăn bố con ông Hành:
- Thôi thế này, em sẽ cho chuyển giành gio ra góc vườn,
che cót để nhà mình đi đồng tạm mấy ngày. Còn toa lét
dành riêng cho khách dùng cho lịch sự.
- Thế thì kệ xác cậu cháu anh.
Ông Hành cắn răng chịu nhượng bộ vì sợ con trai
dỗi bỏ đi. Ông sinh được mỗi thằng con trai nên chỉ
còn thiếu nước quỳ lạy nó cưới vợ sinh cho lũ cháu
nội để có đứa nối dõi tông đường. Tháng trước
về chơi nhà nó bảo, nếu không xây toa lét cho hiện đại
thì không bao giờ nó dẫn nhà gái và người yêu về quê.
Vậy thì đến bao giờ nó mới lấy vợ cho. Cái bình nóng
lạnh cũng chỉ tổ hại điện. Rét mướt ra vườn vơ lá
lảu đun ấm nước pha ra tắm vừa thuận lợi vừa
tiết kiệm. Khốn nỗi không có nó thì con ông không
chịu đưa khách về nhà, chẳng biết đến bao giờ ông
mới có đứa cháu nội.
Vừa khi ấy, ông Hành dẫn vợ chồng ông giáo sư đi
qua, định đưa họ ra sau nhà tham qua vườn tre măng mới
trồng.
Nhìn thấy rổ rau rừng, lẫn những chùm cà dại và lá
đu đủ, Hoàng vội lấy cái mẹt che đậy để khách không
nhìn thấy. Nhưng hành động ấy của anh đã bị ông giáo
sư phát hiện, ông cười nói:
- Vì sao phải che giấu vậy, anh Hoàng?
- Dạ không ạ.
Ông Hành chắp hai tay sau đít lắc đầu:
- Anh tưởng tôi đãi khách toàn thứ rau mách qué chứ
gì? Tý nữa xôi chín ăn chấm với giấm chạo khéo mà
anh ăn hết cả rổ. Tiến sĩ nhưng còn dốt lắm, con
ạ.
Ông Hành chỉ cho vợ chồng ông giáo sư thấy cái ninh
xôi, thức ăn. Thấy người ta đang làm những món ăn
lạ, đồ nấu lạ, bà giáo sư liền gọi con gái từ ngoài
sân vào.
- Con vào đây mà xem mọi người chế biến món ăn.
Lạ lắm, con ạ.
Hoàng xua tay, nói:
- Không có gì đâu ạ. Kìa bố, sao bố cứ để khách
ở trong bếp thế này?
Một người đàn bà bưng ra từ góc bếp một phạng cá
thính chua. Bà ta gỡ bỏ lượt cây găm rồi lôi bỏ rơm,
lá ổi đậy bên trong hở ra những miếng cá thính vàng
rộm. Khi bà ta nhặt ra những miếng cá đặt xuống
mẹt, ông Hành liền cầm miếng cá rũ sạch bột thính
đưa lên mũi hít mấy hơi, nói:
- Hấp dẫn lắm, xin mời ông bà kiểm tra xem.
- Kìa bố.
Hoàng nhăn nhó can ngăn bố nhưng giáo sư cũng nhặt
một miếng lên lật sấp lật ngửa xem cả mặt trước
mặt sau rồi mới đưa lên mũi. Sau đó, ông đưa miếng
cá vào sát mũi bà vợ, nói:
- Mợ xem này, thơm lắm.
Bà giáo cười, quay lại bảo con gái:
- Con lấy giấy bút hỏi rồi ghi chép cách chế biến
thức ăn ở đây nhé. Không chừng về mẹ sẽ viết được
một bài báo về văn hóa ẩm thực đấy.
Ông giáo sư gật gù:
- Đúng rồi, những chuyến đi hiếm hoi như thế này,
con phải học hỏi lấy những bài học của dân gian. Văn
hoá dân tộc đấy, con ạ.
Ông giáo sư theo ông Hành ra tham quan khu vườn đồi
ở sau nhà.
Những đồi chè như bát úp liền nhau chạy đến chân
núi xa. Đồi cách nhau những tràn rộc ven đồi vươn lên
tua tủa búi lau sậy. Hoa lau phất phơ óng ánh như phết
một lớp bột nhũ. Rừng măng tre tốt mọc sát sau nhà
ngang. Ông Hành nói:
- Báo cáo ông bà, cháu trồng giống tre này để bán măng.
Năm nay nhờ trời cháu thu kha khá nên mới có tiền xây
cái nhà vệ sinh theo yêu sách của cu Tỏi. Nó bảo nếu
không có cái đó cho hiện đại thì nó không đưa người
về chơi, không cưới vợ.
Ông giáo sư kín đáo nheo mắt cười với vợ. Ông giáo
sư hỏi:
- Thế ông bà định thế nào về việc cưới vợ con
cho Hoàng?
Bà giáo sư giật giật áo chồng ra ý bảo ông tế
nhị không nên nói chuyện quan trọng ấy ở đây. Mặc dù
chính bà cũng rất sốt ruột về chuyện chồng con của
Tuyết Anh.
Ông Hành đứng đắn đo mãi xem nên hay không nên nói
đến chuyện vợ con của con trai. Đáng lẽ gia đình
phải có lễ lạt về Hà Nội để chạm ngõ cho phải phép,
nhưng giờ đây ông giáo sư đã hỏi trước, mình dại gì
không nhân cơ hội này mà bày tỏ nguyện vọng với người
ta. Biết đâu ông bà ấy cho giảm bớt thủ tục dạm ngõ
đỡ tốn kém cho nhà mình. Ông hít hà nói:
- Báo cáo ông bà, vợ chồng cháu chỉ còn thiếu khóc
lạy nó lấy vợ mà nó không lấy cho.
- Vậy tôi hỏi thực, Hoàng có có nói với ông bà
về chuyện tìm hiểu yêu đương của nó không?
Ông Hành xua tay nói:
- Cháu nói khí không phải, xin ông bà bỏ quá cho, vì
chuyện này, đáng lý chúng cháu phải về có nhời với
ông bà từ trước để xin cho thằng Tỏi nhà cháu được
đi lại tìm hiểu cháu Anh.
- Tức là Hoàng cũng đã báo cáo chuyện nó yêu Tuyết
Anh?
- Vâng ạ.
- Vậy vì sao hai đứa yêu nhau mười năm mà vẫn chưa
muốn cưới, chắc ông bà biết chứ?
- Có đấy ạ. Nó bảo chưa tậu đủ nhà cửa đàng
hoàng ở Hà Nội thì chưa cưới vợ.
Tiếng cười của ông giáo sư lan xa trên đồi chè đã
phát hết cành đang lấn mấn chồi non đợi tiết xuân
để bật ra, Ông giáo sư nói:
- Thôi đành đôi bên cha mẹ chúng ta phải phối hợp
thúc đẩy cuộc đời của con cái vậy, ông có đồng ý
không?
Cặp mắt ông Hành sáng lên rờ rỡ như hút hết vào
đấy ánh sáng yếu ớt ngày đông ở vùng đồi. Ông run
run nói:
- Ông dạy thế thật là quý hoá. Thôi thì vừa là
thầy vừa là thủ trưởng, ông làm ơn dạy bảo giúp
cho hai cháu nó nên vợ nên chồng sớm để hai gia đình
chúng ta được gần gựa hơn.ở trong nhà, Hoàng đã cùng
cậu mình sai bảo mấy đứa cháu bốc cà chua ra đổ đống
góc sân rồi đắp phủ bằng nilon, áo mưa và tấm bạt
nhỏ.Nền nhà gạch hoa được dọn dẹp sạch sẽ.
Trong bữa cơm, Hoàng vẫn không hết băn khoăn chỉ
sợ bà giáo sư, một người kỹ tính chê nhà mình làm
ăn quê mùa. Thấy mẹ gắp vào bát khách những miếng
thịt mỡ bóp dấm, vừng, anh nhắc khéo:
- Không phải ai cũng thích ăn thịt mỡ đâu, mẹ ạ.
Ông giáo sư liền gắp một miếng như thế chấm vào
bát dấm chạo, nói với Hoàng:
- Anh ăn thử đi. Xem có sánh được với các món đặc
sản mà anh đã được ăn chưa?
Bà giáo sư ăn xong miếng thịt làu bàu mỡ mà không
hề ngấy chỉ có vị thơm, bùi và ngọt, ngon hiếm
thấy. Bà nói:
- Quả là ngon kỳ lạ, anh Hoàng ơi! Chẳng lẽ anh không
biết quê mình có thứ đặc sản này sao?
Tuyết Anh ăn thử rau xôi chấm dấm chạo, rồi nói:
- Anh Tỏi cứ khinh thứ rau dại này nhé. Sao mà ngon
tuyệt vậy bác?
Khi ăn đến miếng cá chua nướng, bà giáo sư hỏi bà
Hành:
- Làm thứ này khó không bà?
Tuyết Anh nói:
- Con ghi chép rồi. Về, con có thể làm cho mợ ăn.
Bà Hành nhìn Tuyết Anh, nói:
- Nếu cháu đừng chê thằng Tỏi tồ nhà bá, về làm
dâu bá thì thỉnh thoảng bế con về chơi bá cho một chĩnh
đem về Hà Nội ăn dần, chứ ở Hà Nội đâu có bột
thính lá ổi, rơm khô, que găm như ở đây mà làm.
Hoàng bèn lừ mắt nhắc nhở mẹ về câu nói hớ
vừa đoạn.
- Sao mẹ lắm chuyện linh tinh vậy?
Ông giáo sư nói:
- Không hề linh tinh đâu. Đấy là văn hóa dân tộc đấy,
Hoàng ạ.
Ông Hành đập mạnh chén rượu xuống mâm, quát con
trai:
- Không nhẽ bố cho mày cái dùi đục, đồ mất gốc!
Người em vợ vỗ vỗ vào đùi ông Hành nói:
- Thôi thôi bác, mất vui bây giờ!
Ông Hành nói với ông giáo sư:
- Ông bỏ quá cho cháu. Nhưng không dạy cho đến nơi
đến chốn thì thằng này sẽ mất gốc, tiến sĩ tiến
sọt gì nó.
Mọi người cười to rồi vừa ăn vừa nói chuyện râm
ran. Ông Hành thấy cần phải thừa thế xốc tới. Gắp
tiếp vào bát ông giáo sư miếng giồi nướng xong, ông
nhấc lên chén rượu, nói với con trai: "Sẽ đáp
ứng đủ cho anh, nghe chửa. Sang năm mà anh không cưới
vợ thì từ toa lét đến cái mặt anh tôi cũng đập cho
vỡ ra, nghe chửa!".
Mọi người cười ngả nghiêng đổ tràn rượu xuống
giường chiếu.
Sợ bị khách chê cười về sự cởi mở quê mùa
của bố mẹ mình, Hoàng bưng chén rượu đứng dậy nói
cho mọi người yên tâm:
- Đề nghị bố không nên nhắc đến chuyện riêng
của chúng con nữa. Chỉ xin cả nhà ăn Tết thật vui
vẻ, con hứa ngoài giêng chúng con sẽ chính thức báo cáo
hai gia đình tổ chức lễ thành hôn cho chúng con.
Ông Hành gật gù nói:
- Được được, thế thì mời mọi người lên đũa
cho!
Mọi người vui vẻ chúc tụng nhau. Còn dăm ngày nữa
mới đến Tết Nguyên Đán nhưng riêng nhà ông Hành tết
này đã đến sớm hơn mọi năm, chính xác là từ phút
giây Hoàng tuyên bố sẽ lấy vợ./.
Nguyễn Hữu Nhàn