NHO XANH

Gửi truyện ngắn đăng báo Tết! Khởi thuỷ của cái ý tưởng này là từ bạn ông, ông văn sĩ kiêm nhà báo Phù Hưng. Ông Phù Hưng, tháng trước, một trưa, từ đâu về xồng xộc sang nhà ông, dựng ông đang ngà ngà giấc trưa dậy, ồn ồn ào ào:

- Ông Luân này, toà soạn mấy tờ Văn nhân, Nghệ sĩ, Trí tuệ, Sức sống, Tuổi xuân... cả một lô xích xông tôi gặp, họ gửi lịch biếu ông đây này. Họ muốn Tết này đăng bài của ông. Năm nay năm con Rồng, chịu khó lia cho họ vài bài kiếm tí tiền tiêu Tết, ông ạ.

Còn đang lơ ngơ thì ông bạn đã đập bộp vào vai, dặn tiếp là cuối tháng mười một ta là phải nộp bài. Rồi trợn mắt: Không sớm đâu. Còn duyệt. Còn minh họa. Còn in. Còn phát hành. Đến tận hải đảo biên giới, vùng sâu vùng xa cơ mà. Và đi được mấy bước còn quay lại "à này" rồi ghé tai, nháy mắt: "Này, cố làm đi, hàng Tết họ trả giá cao gấp năm bẩy lần giá nhuận bút thường ngày đấy!".

Hàng Tết! Thì ra mấy năm nay đã nẩy sinh ra khái niệm này ở cánh nhà báo, nhà văn. Nghĩ cũng hay. Nó chứng tỏ đời sống vật chất và tinh thần của dân mình đã khá hơn trước nhiều. Tết đâu chỉ có ăn. Vả cái ăn bây giờ đâu còn là mối lo hàng đầu nữa. Cái mặc cũng vậy. Tết là phải vui chơi, là để thư giãn, làm phong phú thêm đời sống tinh thần. Phải có tranh ảnh sách báo. Tết, phải có báo Tết. Vậy là mấy trăm tờ tuần báo, nhật báo phải dốc toàn lực ra cho được số báo Tết tăng trang, in đẹp, bài vở đặc sắc hấp dẫn hơn hẳn ngày thường! Là nhà văn nhà báo, có mặt cùng anh em trong cuộc hội ngộ đầu xuân này cũng là một điều thú vị chứ!

Phấn chấn, ông Luân bắt tay vào việc làm hàng Tết ngay từ cuối tháng mười và dự định sẽ cho ra lò mười truyện ngắn để đáp trả nghĩa tình của mười tờ báo đã có lời mời và biếu lịch. Nhưng, sau một tuần cật lực, ông Luân đã nhận ra rằng, đặt ra chỉ tiêu ấy là quá mức, là không thể được. Giỏi lắm với thời gian ấy chỉ được năm cái là cùng, mà bốn cái trong số đó chỉ là sửa lại cái đã viết cũ rồi mà thôi.

Chao ôi! Bây giờ mới thấy mình không có được cái sức làm việc như của ông Phù Hưng. Sáng dậy, sau bát phở tái nạm và tách cà phê là ông ấy ngồi vào bàn. Tay kẹp thuốc lá, tay cầm bút, cứ thế ông ta lia. Đúng là lia chứ không phải viết. Lia thật thoải mái, trơn tru trong khung cảnh ngoài cửa sổ, giò phong lan thoảng đưa hương thơm bánh khảo. Con cu cườm chốc chốc điểm nhịp bốn tiếng gáy trầm ấm. ý tứ bồng bồng nở, chữ nghĩa tuôn đổ ào ào, mỗi buổi sáng ông Phù Hưng xong một cái truyện ngắn năm trang ngon ơ. Không nháp, bản thảo ông chỉ viết một lần mà sạch bong.Ông Luân viết văn vất vả như người đánh vật. Không đến nỗi phải rặn ra từng chữ, nhưng nhiều lúc cũng phải bóp trán nặn óc mới có được một ý, một câu. Truyện, dù thuộc loại mi ni vài chục dòng cũng vậy. Nghĩ trước chán ra rồi, ngồi vào bàn còn viết đi sửa lại vài ba lượt mà nào đã xong. Lần thứ tư thứ năm gì đó chép lại, bản thảo vẫn lèm nhèm, chỗ dập xoá bỏ đi, chỗ thêm vào, ngoằng lên ngoặc xuống, rối mù tăng tít, đem thuê vi tính họ cũng còn ngại.

Biết làm sao được, vì từ hồi hai ba mươi tuổi đã vậy. Trẻ dôi ra, già rụt lại. Giờ ngoài lục tuần rồi càng không thể đổi thay. Vậy mà đã thành tên tuổi gì đâu. May chăng độc giả nhớ được vài ba cái truyện ngắn của mình đã là niềm an ủi lớn rồi.

Ôi, văn chương, với ai thì không biết, chứ với ông Luân thì đó là việc dứt ruột đẻ ra, cực nhọc lắm. Viết xong một cái truyện ngắn, người bã bời như hết hơi hết sức, như cái ắc quy hết điện, chữ nghĩa trong đầu bay đi hết, đến viết cái thư cũng ngại. Giả Bình Ao, nhà văn Trung Hoa nói: Viết văn nặng nhọc như ì ạch bê tảng đá lên từng bậc một cũng còn là nhẹ đấy!

***

Văn chương là cái nghiệp, cái ách giữa đàng nó quàng vào cổ, ngoài cảm hứng cũng cần có sự gắng gỏi, ngoài việc giữ gìn tự do bên trong để sáng tạo, cũng cần chống lại thói buông thả biếng lười. Kết quả của việc gò mình tự nguyện vào nền nếp gần một tháng trời trước Tết, ông Luân cũng có được năm cái truyện ngắn hoàn chỉnh, thật là một kỷ lục, vì vậy mới có việc sáng nay ông đạp xe đem văn đi gửi cho các báo.

Sương đã bay ngút ngát, nhưng buốt thon thót. Quàng lại khăn, chỉ mấy vành bánh xe, đúng như ông mong đợi, toà soạn tờ Trí Tuệ đã hiện ra với hai cánh cổng mở toang dang tay đón khách.

Xuống xe, tần ngần một lát, sợ rằng chưa đến giờ làm việc, kẻ sĩ gì mà như một kẻ háu ăn, tiệc chưa dọn đã đến, giơ đồng hồ xem biết đích xác là đã đến giờ toà soạn làm việc rồi, ông mới dám dắt chiếc xe thong thả đi vào cổng.

Tuy vậy, chiếc xe mới chớm vào ngưỡng cổng toà báo nọ, ông Luận đã phải dừng lại. Một chiếc Land Cruise, khỏe đẹp, lực lưỡng đang lừ lừ bò ra với tiếng còi to như quát. Né vào một bên cổng, chiếc xe vừa đi qua, định ló ra, ông Luân bỗng nhận ra hai cánh cổng của toà soạn đã như tự động từ từ khép lại. Và một thằng cha mặt sần sùi như bị bỏng, chân tập tễnh, từ trong cái chòi thường trực bước ra, vừa nhìn thấy ông Luân đã hất tay: "Về đi! Hôm nay Ban biên tập đi vắng hết. Không tiếp khách!" Hừ, rõ là bất lịch sự, vô văn hóa quá. Ông Luân nghĩ, thấy bị xúc phạm, liền quay xe ngồi lên, đạp dấn, không thèm nhìn lại.

Chút bực bội ở trước cổng toà soạn tờ Trí Tuệ được xua đuổi. Ông Luân cảm thấy phấn chấn trở lại, phấn chấn thật, phấn chấn vì trong túi ông lúc này là năm cái truyện ngắn. Nắng hanh, Con sóc xám. Đời vui, Quán cây dừa, Cuộc du khảo huyền hoặc. Năm đứa con có danh xưng, có hình vóc, tính tình riêng, được ông rút ruột đẻ ra. Năm đứa con tinh thần. Năm cái truyện ngắn. Năm cái văn xuôi nghệ thuật này, theo giá cả ngày thường thì các toà soạn chi trả mỗi cái hai trăm nghìn đồng là kịch trần. Nay nếu đúng như lời ông Phù Hưng, họ sẽ trả gấp năm chẳng hạn thì ông sẽ có trong tay tất cả năm triệu bạc. Năm triệu bạc! So làm gì với các nhà doanh nghiệp, các quan chức. Đối với ông, năm triệu bạc là những mười tháng lương hưu. Là có thể tổ chức cả một cái Tết linh đình ở nhà quê cho vợ con, gia đình. Nhà văn xưa nay vốn tiếng cả nhà không, mấy khi dám nghĩ có được một lúc năm triệu đồng. Mà ở nhà quê thì một sào lúa một vụ nếu được mùa thì giỏi lắm cũng chỉ lãi được hai trăm ngàn là cùng. Nhưng mà tính toán như thế xem ra tầm thường lắm. Bởi vì, nhà văn về cơ bản không phải là người sản xuất, các tác phẩm anh ta làm ra là để tặng không cho xã hội, nên chẳng thể trả giá được. ấy thế, chẳng thể trả giá được; do vậy mà giá trị thương mại của nó luôn luôn rơi vào tình trạng bị quy định một cách tuỳ tiện!***

- Thưa bác, bác gửi bài đăng báo Tết ạ.

- Vâng. Tôi muốn gặp anh Tổng biên tập Lê Hoa.

- Bác ơi, anh Lê Hoa bận đi họp ở Tổng cục hôm nay và ngày mai. Cháu xin nhận bài của bác. Có điều cháu xin báo cáo với bác ngay là: Số Tết, tuy có tăng trang, nhưng phải tải nhiều bài nên truyện phải thật ngắn. Chỉ hai nghìn chữ đến hai nhìn rưởi chữ, nghĩa là chỉ bốn, năm trang vi tính, là cùng. Thế mà cái Con sóc xám của bác gửi đây, để cháu đếm xem nào, một hai ba... những mười hai trang tức sáu nghìn chữ! Chà!

- à...

- Bác thông cảm cho...Ngọt ngào quá. Có lý quá. Không thể nói vào đâu được. Mà nói sao được, quyền hành ở trong tay người ta. Lòng tự trọng đã khiến ông Luân giữ vẻ mặt thật điềm nhiên khi nhận lại cái bì thư đựng mười hai trang giấy truyện ngắn nọ, rồi nhã nhặn chào cô bé biên tập viên thường trực, lặng lẽ quay ra cửa.

***

Cơm không ăn, gạo còn đó. Ông Luận nghĩ. Vả lại thiếu gì báo. Trước mắt kia là tờ Văn Nhân, chính Tổng biên tập tờ báo này đã biếu lịch và đặt bài ông. Hơn nữa, các biên tập viên ở đây, đa phần là các nhà văn trẻ, quen biết và rất mến phục ông.

Ông Luân đạp xe vào tận sân toà soạn. Nhưng đáng lẽ dựng xe bước vào thì ông lại đứng lại cạnh cây thiên tuế ở ngoài sân. Trong phòng biên tập đang tụ tập một đám động cộng tác viên. Nổi bật trong đám là nhà văn Võ Hy. Võ Hy, cây truyện cười, tác giả của chục tập truyện vui, báo Tết nào cũng có mặt. Võ Hy bằng tuổi ông Luân, có biệt tài phát hiện cái nghịch lý của đời sống, lại có giọng văn hóm hỉnh khác thường. Ngồi cạnh Võ Hy còn có nhà văn Minh Tứ, kém ông một giáp, tác giả của những truyện ngắn mi ni hết sức thông minh, nghịch ngợm. Nào đã hết. Nghe giọng nói, cũng nhận ra Văn Sự cũng có mặt trong đám nọ. Văn Sự đã ngoài bảy mươi, nhưng văn ông còn trẻ lắm. Ông viết truyện khoa học viễn tưởng. Ông đưa con người vào một thế giới huyễn hoặc, với một trí tưởng tượng phi thường kỳ quái.

Mình vào lầm chỗ rồi! Ông Luân nghĩ. Báo Tết người ta cần những bài vở vui vẻ, những câu chuyện bay bổng lãng mạn. Còn năm truyện ngắn của mình, ừ thì là văn xuôi nghệ thuật đích thực đấy, nhưng cái nào cũng ưu tư, sầu muộn, cũng là những ngẫm ngợi về cõi nhân tình thế thái, về vùng bản thể sinh tồn u uẩn rối mù. Thôi, hãy tự giác mà rút lui, truyện của mình không hợp với số báo Tết của toà soạn này đâu!

***

Có ba loại nhà văn. Nhà văn do tự trải nghiệm mà thành. Nhà văn do làng xã quê hương đẻ ra; họ viết rất tài về phong tục tập quán lịch sử đời sống người dân cư ngụ nơi làng xóm họ. Và nhà văn dựa vào cơ chế chính sách tư tưởng của các trào lưu mà viết nên tác phẩm; họ viết rất hay về việc vào ra hợp tác xã, về chính sách khoán trong nông nghiệp, về cải tiến quản lý xí nghiệp. Nếu vậy thì ông Luân thuộc vào loại nhà văn do tự mình trải nghiệm mà thành. Cái phẩm chất văn sĩ đương đại của ông thể hiện ở chỗ, ông viết văn như một sự trình bày các suy tưởng của ông từ những câu chuyện đời riêng ông đã trực tiếp bắt gặp. Cư bất u. Trí bất viễn. Diện bất sầu. Tâm bất quảng. Ông sống theo lời dạy đó. Không ồn ào, ông lặng lẽ, ít lộ diện, không hậm hực, ganh đua, âm thầm nhưng nghiền ngẫm sâu xa, tự mình suy tính, đào bới, chà xát, kiếm tìm. Ông có tư tưởng của riêng ông. Ông cố gắng không bắt chước ai, không nhờ cậy ai, không a dua a tòng theo ai. Bao nhiêu năm nay, ông Luân có cách sống như thế. Vô cầu phẩm tự cao. Ông không có nhu cầu xin xỏ, kiếm chác. Ông chỉ có nhu cầu thể hiện mình.

Nơi cuối cùng, ông Luân rẽ vào sáng nay là toà soạn tờ Nghệ sĩ ở phố Thanh Xuân. Nhà văn Xuân Tường, trưởng ban cộng tác viên, thuộc lớp đàn em ông, rất mến mộ ông, đón ông thật nhiệt tình:

- Bác ngồi xơi nước ạ. Chà, được bác tham gia báo Tết thì còn gì bằng. Dạ, bác gởi truyện Cuộc du khảo huyễn hoặc ạ. Vâng, để cháu gọi điện ngay cho anh Tổng biên tập ạ.ấp chén nước nóng trong hai bàn tay, mới nhấp được một ngụm nhỏ, ông Luân đã thấy nhà văn Xuân Tường, đặt máy điện thoại, quay lại ông, mặt đăm chiêu, khổ sở:- Bác Luân ạ. Anh Tổng biên tập của cháu mong bác cảm phiền cho. Báo Tết chỉ được dành chỗ đăng một truyện ngắn thôi. Thế mà hôm qua, nhà văn Ngô Pha đã đích thân đem đến một truyện ngắn lịch sử dài mười hai trang rồi. Bây giờ có cách nào ủn được truyện của ông ấy đi thì mới có chỗ in truyện của bác ạ.

Đặt chén nước xuống, ông Luân suýt phì cười, nhưng kìm ngay được. Xuân Tường dùng chữ ủn ngộ quá. Nhưng, không phải chỉ có thế. Ông Luân biết, đây chỉ là một cách nói khéo cho khỏi mất lòng ông thôi. Làm ăn bây giờ phải có đường dây, băng nhóm quen thuộc, ở bên kinh tế đã là thế rồi. Dắt xe đi ra cửa, ông Luân không hiểu là mình đang vui hay đang buồn.

***

Trời, trời trở lạnh. Chiếc xe bạt đi trong hơn gió hun hút, ông Luân mới về đến nhà. Leo lên gác ba, ông gặp ngay ông Phù Hưng đang xách cặp sầm sập đi xuống.

- Thế nào bán được hết hàng Tết chưa?

Không để ý đến vẻ mệt nhọc trên mặt ông Luận, ông Phù Hưng giữ vai ông lại, hăm hở:

- Mình đã tưởng viết được nhiều, hoá ra còn thua khối thằng. Thằng Quân Văn, ba mươi bài. Thằng Thi Hứng, bốn mươi bài. Ước tính vụ này mỗi vị thu trên dưới hai chục triệu. Còn mình, sáng nay bán được mười bài cho mười báo rồi. Đến đâu cũng thấy bài vở của các ông bạn nhà văn mình xếp hàng cả rồi. Hoá ra các vị ấy viết báo Tết từ mấy tháng hè. Mặc may ô quần đùi, bật quạt máy mà miêu tả không khí Tết hiu hiu gió lạnh được thì tài thật. Tình hình là thế, nhưng vẫn phải vào cuộc, ông ạ. Chùm nho ở trên cao phải nhẩy lên mà đớp. Đừng như con cáo của Êdốp, không đớp được thì chê là nho xanh. Thôi nhé, chiều nay mình còn phải đến mười lăm toà soạn nữa kia. Ông còn bài nào chưa bán được, cần mình giúp không?

- Cám ơn. Chúc ông may mắn!

Ông Luân vào nhà. Bỏ mũ, cởi áo, ngồi thừ trước bàn viết. Năm truyện ngắn, những trang văn tâm huyết còn đây cả. Những ý tưởng hình ảnh, câu chữ chắt ra từ cuộc sống riêng, là những suy ngẫm cảm xúc riêng, không phải là thứ hàng hoá mua vui chốc lát. Văn chương không phải là chốn đua chen nhất thời. Văn chương tăng mệnh đạt. Văn chương ghét kẻ gặp may. Văn chương cũng như con người, không nhất thiết lúc nào cũng phải lộ diện. Con người ngoài phần nổi còn có phần chìm của nó. Nhà văn bao giờ cũng là tác giả của những tác phẩm viết rồi để đấy chưa in. Ông Luân nghĩ và tự hỏi: Thế là thành thật, hay chỉ là tự an ủi: Nho xanh quá, ta không thèm ăn? Nho xanh quá, ta không thèm ăn?

Cầu thang gác bậm bịch tiếng chân ông Phù Hưng. Ông văn sĩ kiêm nhà báo chắc còn để quên hàng Tết, nên quay về lấy đem đi. Chỉ còn chưa đầy tháng nữa là Tết rồi. Chiều ấy, ngồi ở nhà, ông Luân lại giở năm cái truyện ngắn của mình ra đọc. Và ông càng tin chắc chắn rằng, nhà văn bao giờ cũng là tác giả của những tác phẩm viết rồi để đấy, chưa in, chưa công bố! Viết xong rồi để đấy, chưa công bố, có nhà văn chân chính nào trong nước, trên thế giới mà không có những tác phẩm như thế!/.

Ma Văn Kháng

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC