ĐÔI MẮT VÀ CÂY LỘC VỪNG


Hoa lộc vừng

Ngày ấy vừa tốt nghiệp bậc học phổ thông, tôi nhận được hai tờ giấy gọi: gọi nhập ngũ và gọi vào đại học. Bấy giờ lửa chiến tranh ngùn ngụt ở miền Nam đã lan ra toàn miền Bắc. Lòng người nôn nao. Không ai cảm thấy sẽ được yên thân một khi đất nước gặp hoạ xâm lăng. "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" huống chi là đấng nam nhi. "Xếp bút nghiên theo việc đao cung" với lứa trẻ chúng tôi thời ấy là chuyện bình thường.Tôi nhanh và khoẻ nên được chọn vào bộ đội đặc công. Trường huấn luyện chúng tôi ở trên miền sơn cước. Để thành một người lính đặc công thực thụ phải qua nhiều khổ luyện. Ban ngày học lý luận, tập tành thể lực và các miếng võ. Ban đêm là lúc kiểm tra và thử thách mình - Thành bại sống chết là đây. Ngoài những giờ trong thời khắc biểu, chúng tôi ngủ lăn ngủ lóc. Đặt mình xuống là ngày khò khò. Muốn kêu dậy trực ban phải mang còi rúc bên tai. Đôi lúc có chút thì giờ rỗi rãi lại thoáng nhớ về thành phố quê hương với bao kỷ niệm ngọt ngào trong gia đình và với bạn bè. Nhưng những hình bóng ấy mờ nhoà ngay về nỗi bồn chồn lo lắng cho những người thân ngày ngày vất vả, bươn bả nơi sơ tán; lo nhà cửa phố phường tan nát dưới đạn bom... Chúng tôi lao vào rèn luyện và nôn nóng mong chóng đến ngày ra quân để đánh cho chúng nó tơi bời...

Ngày mãn khoá, tôi được xếp vào loại khá. Cấp trên muốn giữ tôi ở lại làm trợ giáo huấn luyện nhưng tôi một mực đòi ra tiền tuyến. Mười ngày phép trước khi lên đường làm nhiệm vụ tôi về thăm nhà. Cha mẹ tôi sơ tán về quê. Mấy em nhỏ đi học sơ tán theo trường. ở nhà chỉ còn anh chị tôi vừa làm việc vừa là tự vệ cơ quan. Bạn bè tôi mỗi người mỗi ngả. Có người đã ra mặt trận. Có người cặm cụi trên những giảng đường tre lá ở rừng sâu. Thành phố vắng vẻ, những con đường rộng thênh thang, ngày năm bẩy lần còi lúc báo động máy bay xâm phạm vùng trời thủ đô. Thường buổi sớm, tôi đạp xe về thăm cha mẹ, chiều lại đạp xe ra thành phố, chẳng để làm gì nhưng nghĩ tới ngày xa nó tôi thấy lòng cứ nôn nao, cồn cào... Những ngày chuyển đông, trời Hà Nội khô và hanh. Cơn gió heo heo dứt ra những chiếc lá vàng cuối cùng rơi bay lả tả. Chiếc lá bàng khô cong chạm mặt đường còn bị gió kéo lê đi vang lên âm thanh khô khốc và não nuột cứ ngân đọng mãi trong lòng tôi. Trên chiếc xe đạp cũ, tôi đi lang thang vòng quanh các phố phường... Bây giờ tôi mới cảm thấy những gốc cây, đường phố, mái nhà này gắn bó máu thịt với tôi. Vậy mà tôi sắp phải dứt nó ra đi...Khúc phố Hàng Khay thật ngắn, quanh năm bóng cây trùm kín tưởng như đi trong một hang dài. Mặt nước Hồ Gươm xanh rêu lăn tăn những con sóng nhỏ. Tiếng xe điện giục giã hối hả vang vang trên đường. Tôi phóng xe bám theo con tàu điện. Bỗng tiếng còi báo động hú lên người ta chạy túa ra nhẩy xuống các hố cá nhân dọc bên đường hoặc nấp dưới các mái hiên nhà. Tôi vứt xe trên hè phố, nhanh chân nhảy xuống hố và kéo tấm nắp xi măng định che kín lại. Tiếng súng dồn dập chen lẫn với tiếng còi gay gắt quyết liệt. Tôi nhảy vọt lên khỏi hố, nhấc bổng một bà già lên và đặt xuống thay chỗ của tôi. Mảnh đạn rơi lộp bộp trên mặt đường lõm bõm trên mặt hồ. Tôi kéo nắp đậy trên chiếc hố và lao vội tới nép sát vào một gốc cây to ven hồ. Vừa lúc một tiếng nổ chát chúa ngay bên kia đường kèm theo tiếng rào rào sập đổ. Bụi khói mù mịt một quãng đường. Một người chạy chúi xuống như muốn ngã, miêng phát lên không rõ là tiếng khóc hay tiếng kêu: "A...A...A...!". Tôi hét lên: "Nép vào đây". Người đó lao vụt tới ôm chầm lấy tôi run rẩy và nức nở. Tiếng bom, tiếng đạn, tiếng máy bay náo loạn cả bầu trời. Lạch xạch... lõm bõm... vẫn là những mảnh đạn rơi vãi quanh đây. Người ấy co rúm lại, chúi đầu và nép sát vào người tôi hơn. Tôi choàng tay ôm chặt, cúi đầu phủ che cho người đó. Dường như đã bình tĩnh lại, tiếng thở hổn hển nhẹ dần và đều hơn, hơi ấm từ người ấy phả sang và tôi nhận ra trong vòng tay mình là một người phụ nữ. Tiếng máy bay vẫn gầm rú. Tiếng đạn nổ vẫn ỳ ùng. Người phụ nữ vẫn nép chặt vào tôi với sự yên tâm đã được chở che... Có lẽ bộ quân phục màu cỏ úa trên người tôi đã là niềm tin tưởng của cô và cũng là nguồn sức mạnh vô tư nghĩa hiệp của tôi... cho đến khi những tiếng ồn ào ầm ỹ bớt đi người phụ nữ ấy ngước nhìn lên nhưng rồi lại gục đầu ngay xuống... Chúng tôi đã kịp nhận ra nhau đều còn rất trẻ... Cô gái dụi dụi trên vai tôi và nghe lời cô thủ thỉ ngượng ngùng: "Em... sợ... quá!" Tôi phân vân tự hỏi: cô sợ đạn bom hay cô sợ tôi - một anh lính trẻ?! Tôi đứng y nguyên như vậy và muốn nín thở để khỏi lay động đến người cô dù chỉ là một chút mong manh... Khi tiếng còi báo yên vang lên, cô đứng thẳng người lại. Hai chúng tôi giáp mặt nhau. Trời vừa sập tối. Hà Nội không đèn. Trên khuôn mặt nhờ nhờ trăng trắng tôi nhận ra đôi mắt cô còn ngấn lệ nhưng nó long lanh, đằm thắm vương chút lo âu. Chúng tôi lặng nhìn nhau... Cô đặt hai tay trên vai tôi thân thiết. Tôi vẫn đứng ngây người. Giọng cô êm ái dịu dàng: "Anh là bộ đội?". Tôi sẽ gật đầu. Tôi không nghĩ gì hết. Tôi chỉ thấy đôi mắt ấy sao đen mà sáng thế... Lát sau tôi nói lời từ biệt: "Anh sắp đi xa!". Vừa lúc tiếng chuông tàu điện leng keng... leng keng... vang lên như hối thúc. Hai tay cô níu vai muốn kéo người tôi xuống và đột nhiên cô áp sát mặt tôi, một làn môi lướt nhanh trên má, một thoáng hương ngọt ngào từ hơi thở người con gái thoảng qua. Tôi chưa kịp nhận ra một điều kỳ diệu chợt đến với mình thì cô đã vùng chạy theo con tàu gửi lại một lời: "Chào... anh...". Sau phút bàng hoàng, tôi đâm bổ ra lề đường lấy xe đuổi theo cô. Con tàu chạy như ma đuổi. Cô gái lật đật chạy theo... Tôi áp sát bên cô: "Lên đây!" Cô nhảy thật gọn lên sau xe. Tôi gò lưng đạp. Cô vỗ vỗ vào tôi giục giã: "Chuyến tàu điện cuối cùng... Em phải vào trường kẻo lỡ...". Chiếc xe cà tàng của tôi phải mang trên mình nó hai người trẻ trung, chắc là quá sức. Tôi dồn hết lực xuống đôi chân để đuổi kịp con tàu nên không nói được câu nào... Hết phố Hàng Gai... Hết phố Hàng Bông... Kịp tới chỗ tàu tránh đầu đường Nguyễn Thái Học, chiếc xe của tôi giáp được con tàu đúng lúc nó từ từ chuyển bánh. Cô gái nhảy vội xuống đường... Vừa kịp níu tay vịn nhảy lên tàu. Tôi phóng xe kề bên. Trên tàu hành khách chật cứng. Hai tay bám trên tay vịn, chân vẫn đứng ở bậc thang lên xuống, cô ngoái đầu lại nhìn tôi và hét to lên: "Chúc anh... bình... an... nhé!". Tôi lo lắng gào lên: "Khéo... nhé! Khéo nhé...!". Con tàu vòn vọt vượt qua tôi... Tôi còn lẽo đẽo theo sau tàu chạy vào phía Cầu Giấy một đoạn xa...

Tôi vòng xe trở lại đi ngược chiều về phía Bờ Hồ. Người tôi lâng lâng. Đường phố tối om. Bóng người nhập nhoạng và tất tả. Tôi tìm lại về gốc cây lúc chiều. Bỗng nhớ tới cái hố có người đàn bà mang thai xuống ẩn. Tôi nhấc nắp hố lên nhìn xuống tối đen. Tôi thò chân xuống khoắng: Trống không! Tôi dắt xe tới gốc cây và ngồi trên bờ cỏ, cố nhớ lại những gì đã xảy ra ở nơi này chiều nay: Một người con gái trẻ gục vào vai tôi không biết bao lâu. Một nụ hôn đầu đời của người con gái cho tôi lướt nhẹ và nhanh như gió thoảng tưởng còn vương vất bên tôi một vị thơm nồng. Tôi ngất ngây sờ lên vai, sờ lên má mình... Trời đầy sao. Có một ngôi sao tỏ lắm, cứ lấp la lấp lánh. Lính đặc công cũng được học nhìn sao định hướng. Ngôi sao sáng rỡ ràng và lấp lánh kia là sao kim. Nó là sao hôm ở phía tây buổi chiều, là sao mai ở phía đông buổi sớm. Nó là ngôi sao ban chiều rạo rực với người đang yêu. Nó là ngôi sao khuê vằng vặc soi bên cửa sổ với tuổi học trò. Và lúc này, bên bờ hồ Hoàn Kiếm, một mình ngồi trên bờ cỏ tôi có cảm giác như ngôi sao ấy rớt xuống vai tôi một thoáng chiều nay...

Tôi xa thành phố thân yêu với sự lưu luyến nhớ thương và nỗi buồn vời vợi nghĩ về một ánh mắt, một nụ hôn và một ngôi sao như thế...

Lính đặc công chúng tôi thường "đi mây về gió", sống chui lủi không ai biết ở đâu, hy sinh nằm xuống không biết ở chỗ nào. Trải bao năm tháng, tôi đã là người chỉ huy một đơn vị đặc công có tiếng. Mật khẩu trước giờ chiến đấu cho anh em dù có thay đổi nhưng vẫn chỉ là một ngôi sao ấy: kim...tinh, sao...kim, sao...hôm, sao...mai, sao...khuê. Với tôi nó tượng trưng cho một ánh mắt vừa cụ thể lại vừa mơ hồ mà suốt đời tôi không thể nào quên...

Ngày Hà Nội bị B52 đánh phá ở chiến trường, chúng tôi xin được đánh một kho xăng. "Chúng bay đổ lửa ở quê ta thì ở đây lửa sẽ thiêu cháy tụi bay!". Đêm bôn tập tiếp cận mục tiêu, trong giờ phút chờ đợi hiệp đồng, tôi ngước nhìn trời cao. Ngôi sao Hôm rạng rỡ. Lòng tôi xôn xao xót xa nhớ về thành phố quê hương. Ngôi sao càng nhìn càng sáng, như là nó đang lấp lánh với tôi. Có phải là ánh sáng, như là nó đang lấp lánh với tôi. Có phải là ánh mắt ấy ngày nào? Thoáng chút bâng khuâng. Tôi thanh thản chờ hiệu lệnh... Khi tiếng súng đồng loạt nổ, ngọn lửa phừng lên ngùn ngụt. Khói xăng cuồn cuộn phủ đen một góc trời. Bên ánh lửa hừng hực, vùn vụt tỏ mờ bống đồng đội chạy ra phía hàng rào. Một bồn xăng gần tôi phát nổ và tôi bị cuốn phăng đi theo làn hơi thổi mạnh...Tôi tỉnh dậy thấy mình tả tơi nằm trên bụi cây năn lác gần sông. Tiếng pháo, tiếng đạn nổ ùng oàng. Ngọn lửa càng bốc cao phừng phực... tôi nghe tiếng lội bì bõm phía bờ sông...

Tôi bò lê ẩn mình vào chỗ khuất. Bước chân kia dừng lại... Tôi nghe tiếng hỏi nhỏ đầu câu mật khẩu: "Sao...". Tôi vui mừng ghép lại câu sau: "Kim!". Chúng tôi ôm choàng lấy nhau "Sao Kim đây! Sao Kim đây!" Mừng chiến thắng! Mừng đồng đội bình an... Tôi ngước nhìn lên trời. Ngôi sao kia như sà thấp xuống và càng sáng rực lên, nó lấp lánh như cười sau những cuộn khói đen ngùn ngụt! Sao Mai đấy! Trời sắp sáng rồi. Chúng tôi muốn reo lên nhưng phải nén lại cùng nhau rút về căn cứ trong ánh lửa bập bùng dưới đất và ánh sáng xanh vằng vặc của sao mai trên trời.

Sau hoà bình, tôi mang nhiều thương tật, được cấp trên cho về học ở trường đại học quân y. Bến xe điện Bờ Hồ là nơi mấy năm trời tôi thường lên xuống. Dù biết là lớp người cũ đã qua rồi nhưng mỗi lúc chờ đợi tàu ở đây tôi vẫn thấp thỏm bồi hồi, mong mỏi có phép lạ nào cho tôi gặp lại người con gái xưa. Tôi vẫn nhớ như in đôi mắt ấy, cho dù bất chợt gặp ở một hành tinh xa lạ tôi vẫn nhận ra... Cái gốc cây xưa còn y nguyên đấy, tôi không cảm nhận được nó già hơn chút nào vì thân nó vẫn to lớn kềnh càng quấn quýt và xù xì như thế. Bây giờ tôi mới biết nó là cây lộc vừng. Vào mùa xuân cây xanh um mơn mởn mượt mà. Nó trổ hoa hai vụ xuân thu, lúc ấy trên trời dưới nước xanh rờn, đỏ rực...

Vào một chiều êm ả, tôi mải mê ngắm những cánh hoa tàn rụng xuống hợp lại thành một tấm thảm đỏ bồng bềnh trên mặt nước, lòng man mác hoài vọng về một ký ức xa xăm... chợt nghe một giọng nữ trầm trồ: "Hoa cây gì mà kỳ lạ thế?". Tôi bừng tỉnh ngước lên: Một cô gái trẻ nhìn thảm hoa rồi lại nhìn tôi. Cô cảm thán trước vẻ đẹp lạ kỳ hay cô muốn hỏi? Chẳng ngại ngần chi, tôi nói thao thao, đại ý - Đây là cây lộc vừng. Lá nó giống lá cây sung. Người ta thường trồng nó bên bờ ao cho mát và cũng để giữ bờ. Không biết cây này bao nhiêu tuổi nhưng ít ra nó cũng đã sống cả trăm năm. Quanh bờ hồ này bao nhiêu cây có hoa sắc đỏ nhưng lộc vừng có vẻ đẹp riêng. Những cánh hoa của nó xếp ngang hai bên dọc theo một cuống dài ở giữa. Trong cơn mưa rào xối xả, những chùm hoa ấy đung đưa chao đảo trên những cành lá tươi xanh mềm dẻo như bay như lượn và mặt nước hồ xôn xao lay động hệt như có ai đang giũ tấm lụa đào... Cô lắng nghe chăm chú. Tôi chỉ cái thân cây to tướng nói tiếp vẻ hơi bí ẩn: "... Và chỗ này có thể làm nơi tránh tên rơi đạn lạc một khi bí quá...!". Cô nhìn tôi thán phục: "Anh học khoa sinh, khoa văn hay khoa nghệ thuật sân khấu đấy?". Tôi trả lời bâng quơ: "Những gì thiết thân cần hiểu rõ!"; "-Vậy cây lộc vừng này có kỷ niệm đặc biệt lắm với anh!". Tôi lảng chuyện: "Cô thử hỏi nó xem sao!". Chúng tôi bắt chuyện với nhau tự nhiên và thoải mái. Tôi tò mò hỏi tên cô. Cô ngần ngừ rồi trả lời tinh nghịch: "-Thì anh cứ gọi em là Lộc vừng đi!"... Mải chuyện, chúng tôi tới bến tàu hơi trễ. Chuyến tàu điện đi Cầu Giấy bắt đầu chuyển động. Cô gái lo lắng và cuống quýt... Dù không đi cùng một tuyến đường nhưng tôi cũng vượt nhẩy lên, kịp nắm tay cô kéo mạnh: "Lẹ lên, Lộc vừng!". Trên tàu người ta chen chúc. Bằng mánh riêng thời binh nghiệp, tôi len lỏi tìm được chỗ cho cô và cả cho tôi. Chúng tôi mặt giáp mặt nhìn nhau. Tôi nao nao trong lòng: đôi mắt em sao đen mà sáng thế...

Chúng tôi quen nhau từ đấy. Rồi chúng tôi yêu nhau... Bây giờ nàng đã là vợ của tôi với hai đứa con là hoa trái của mối tình khởi đầu từ đôi mắt ấy...

Gia đình tôi vào sống ở phía Nam nhưng Hà Nội lúc nào cũng thao thức trong tôi. Mỗi khi về thăm quê, tôi không thể không đến Bờ Hồ, đến bên cây lộc vừng ấy. Giờ đây không còn vết tích của con tàu điện ngày xưa nữa.../.

Nguyễn Văn Thịnh

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC