- Ta tính sao, anh Thanh!
Tiểu đoàn trưởng Thanh không trả lời và cũng không
quay lại. Cả tiểu đoàn vẫn nằm dán mình như những
con thằn lằn trên mặt đất đẫm sương đêm, mắt và
nòng súng hướng cả về làng Hòa Châu ngay trước mặt.
Đêm nay, ông Táo lên trời. Cái làng nhỏ nằm sâu trong
lòng địch, vào đêm áp Tết này sao im ắng đến lạ lùng.
Không tiếng người, không tiếng chó sủa, không tiếng
dế kêu và cũng không cả tiếng gió thổi nữa. Cái
lạnh của ngày tàn đông không át nổi cái nóng đang
bừng lên trong người các chiến sĩ. Theo kế hoạch, đêm
nay họ phải "mật tập" tới Hòa Châu và phải
giấu quân tại đây hai ngày để đêm 25 Tết vượt sông
Cẩm Lệ (một nhánh của sông Thu Bồn), hiệp đồng
với đơn vị bạn tiêu diệt bộ tư lệnh quân đoàn 1
ngụy, mở đường vào Đà Nẵng. Đã quá mốc hẹn gần
ba giờ. Chỉ chừng nửa tiếng nữa thôi, nếu không
bắt liên lạc được với đội du kích, thì chỉ còn có
nước quay lại. Mà quay lại, vượt cho được vành đai
trắng trước khi trời sáng rõ cũng chẳng dễ dàng gì.
Không thể mạo hiểm. Đường vào làng phải qua hai
trạm gác của bọn bảo an, nếu cắt đường rất dễ
đâm phải các bãi chông, mìn. Và cho dù có vượt được
tất cả, vào làng, cũng không đào đâu ra chỗ giấu quân.
Bọn bảo an và tiểu đoàn ngụy tăng cường đã rải quân
canh chừng khắp các ngõ ngách.
Tiểu đoàn trưởng nhìn đồng hồ rồi lại cúi
xuống tấm bản đồ. Dưới ánh đèn pin được che kỹ,
hiện ra những nét chì vẽ vội vàng trên mảnh giấy pơ-luya
nhàu nát. Tấm bản đồ thật hiếm hoi, tiểu đoàn phó
- người vẽ nó đã hy sinh. Trước lúc xuất quân, toàn
tiểu đoàn đã nghiên cứu kỹ và đặc biệt chú ý
tới mốc hẹn và mật hiệu liên lạc đã quy định trên
bản đồ. Và bây giờ, họ đã ở dưới gốc cây dương
cụt ngọn ấy.
Tiểu đoàn trưởng lắc đầu thất vọng. Đã qua cái
thời khắc cuối cùng. Anh hất hàm về phía sau, ra lệnh
rút. Nhưng đúng lúc ấy, đột nhiên phía trước vang lên
tiếng chuột rúc. Như có luồng điện mạnh phóng ra
trong lòng đêm đặc quánh. Tiểu đoàn trưởng giật thót.
Anh rướn người lên nghe ngóng. Tiếng chuột rúc vang
lần nữa, rồi lần nữa, gấp gáp, ngóng tìm. Tiểu đoàn
trưởng chặc lưỡi ba tiếng như nhái kêu đáp lại.
Một bóng đen nhỏ nhắn xuất hiện trên bãi cát trước
mặt, tiến đến gốc dương.
- Trời, các chú chờ lâu dữ đa! Tụi chúng canh ngặt
quá chừng, giờ mới sơ khoáng được một chút đó. Ta
vô làng thôi, kẻo trời sắp sáng rồi, các chú!
Thật bất ngờ, người ra đón lại là một em gái.
Trời còn tối, nhìn không rõ, nhưng nghe cách xưng hô và
giọng nói, chắc em chỉ chừng mười ba, mười bốn
tuổi. Cũng chẳng còn thời gian để mà đắn đo nữa,
sau ít phút kiểm tra mật hiệu, thống nhất kế hoạch,
bộ đội lặng lẽ vào làng...
* *
*
- Thưa chú, mọi việc đã xong rồi ! - Em gái trở
lại vào lúc trời bắt đầu rạng.
Tiểu đoàn trưởng thở phào nhẹ nhõm. Việc ém quân
không ngờ lại diễn ra mau lẹ đến thế. Bộ đội đã
ẩn sâu trong lòng đất. Sở chỉ huy tiểu đoàn đóng
ở nhà em gái, dưới căn hầm bí mật đào ngay cạnh
gốc mít trước sân. Em gái tên là Kim, con gái mẹ Tư,
nhà chỉ có hai mẹ con.
Nắp công sự mở, mọi người đã xuống, nhưng tiểu
đoàn trưởng còn nán lại. Với thói quen của người lính
đặc công, anh nhìn bao quát một lần nữa khu vườn.
Mấy đêm liền hành quân qua những vùng trắng dân rộng
lớn, băng qua những nền nhà cháy đen, những mảng rào
kẽm gai, những mảnh vườn hoang đầy gai lưỡi rồng,
anh không ngăn nổi xúc động, khi đặt chân vào làng vùng
sâu này. Đã lâu lắm mới được thấy lại những ngôi
nhà nguyên vẹn, có cổng ra vào, có hàng râm bụt xén vuông
vức và những vườn cây ăn trái trĩu quả. Đôi mắt
anh bỗng mở to, khi chợt thấy hố bom sâu hoắm ở góc
vườn, cách gốc mít chỉ chừng bốn, năm mét. Vậy mà
sự tàn phá của chiến tranh cũng đã đụng sâu đến
thế trên mảnh đất này. Một hố bom xuất hiện trên vùng
đất nằm rất sâu trong lòng địch mang theo những gì
thật là không bình thường - Tiểu đoàn trưởng nghĩ
thế - Mà kia ! Ngay trên miệng hố bom, trong ánh ban mai
lặng lẽ, một cây gì đó nhỏ nhắn và mảnh dẻ vươn
lên như cây mai vàng!
Hai ngày im ắng trong lòng cát Hòa Châu trôi qua.
Cuộc họp cuối cùng của ban chỉ huy tiểu đoàn
quyết định phương án tác chiến đêm nay cũng đã xong.
Người báo cáo việc chuẩn bị ghe thuyền vượt sông
cũng chính lại là em gái dẫn đường hồi đêm. Nghe em
thông báo rành rọt tình hình địch trong xã, thật khó mà
tin rằng em mới mười lăm tuổi. Khuôn mặt trái xoan
xạm nắng gió vùng cát càng làm tăng thêm nét rắn
rỏi, kiên nghị. Nổi bật trên gương mặt đăm chiêu quá
sớm với tuổi tác ấy là cặp mắt lá dăm màu hạt
dẻ với cái nhìn điềm đạm, sâu sắc và gan góc. Em gái
mang đồ ăn xuống. Mẹ Tư lo cho các chiến sĩ ăn Tết
sớm trước ngày xuất quân. Tiểu đoàn trưởng với tay
lấy gói trà Liên Thái. Như sực nhớ điều gì, anh quay
lại phía em gái:
- Răng mà ngoài vườn có hục bom lớn dữ vậy? Vô
lẽ tụi nó ném bom xuống cả vùng kề ngay Đà Nẵng này?
- Dạ... dạ hố bom... bom đó... Giọng em gái ngập
ngừng rồi nghẹn hẳn.
Tiểu đoàn trưởng bỗng thấy lòng mình xao động.
Phải chăng nỗi đau thầm kín ấy lại liên quan đến
mảnh đất này? Anh nhìn đăm đăm vào đôi mắt đang đỏ
hoe của em gái, như từ đó sẽ bắt đầu những kỷ
niệm thân thiết của trái tim mình. Mặt trời đã
xuống chạm cây dương cụt ngọn ở đầu làng. ánh
chiều qua lỗ thông hơi rọi xuống, đọng trên gương
mặt em gái một mảnh nắng vàng rực. Từ trong cặp
mắt mở to đang đỏ hoe, giọt nước mắt lớn từ từ
lăn trên gò má."Những ngày ấy..." - Mãi một lúc
sau em gái mới trấn tĩnh, bắt đầu câu chuyện. Giọng
nói cố kìm nén của em chứa đựng biết bao nghẹn ngào,
xúc động...
Những ngày ấy, chết chóc và đau thương như những
đám mây đen tối chụp lấy cuộc sống của người dân
Hòa Châu. Ngày ngày, bọn lính bảo an nguỵ và tụi địa
phương quân mang chó béc-giê, vác những que sắt dài đi
xăm hầm. Xăm được, chúng hò reo, la ré hơn là bắt
được vàng. Gia đình nào có hầm, dù không chứa cán
bộ, chúng cũng chặt đầu cả nhà. Xác người chúng
mổ bụng, cột bè chuối trôi sông, tai người chúng
xẻo, phơi khô rồi xuyên dây thép đeo lủng lẳng trước
ngực. Chúng bày nhau cách moi gan người sống thế nào
cho lẹ để nhậu rượu; mua bán, nhượng nhau từng cặp
tai người; càng kiếm được nhiều càng chóng lên mề
đay. Đêm đến, chúng cũng không buông tha mảnh đất này.
Chúng chia nhau "ba cùng" xuống rình rập các nhà
dân, lùng lọi, tập kích khắp các ngõ ngách. Để ngọn
đèn dầu nhỏ như hạt gỗ, chúng cũng cho là "làm
ám hiệu cho Việt Cộng". Cơ sở bể bạc gần hết.
Chi bộ Hòa Châu gần như bị "rũ sổ". Giữa
những ngày lũ quỷ sống ấy đắc chí là đã xới tung
được cái làng bàn đạp nguy hiểm nằm kề ngay thành
phố này, là "không một tên Việt cộng nào còn dám
cả gan bén mảng về", thì đêm đêm, hai má con mẹ
Tư bí mật đào một căn hầm. Căn hầm đào thật kỳ công,
miệng hầm trổ ngay giữa bụi tre đực trước nhà.
Muốn vào hầm phải dùng thang vượt qua ngọn tre rồi
tụt xuống. Đào hầm đã khó, chuyển đất đi giấu còn
khó hơn nhiều. Sáng sáng, mẹ Tư phải bí mật mang
những bọc đất qua trạm kiểm soát ở đầu làng rồi
thừa lúc vắng người xả xuống đồng. Ròng rã mấy tháng
trời, căn hầm đào xong. Đêm giao thừa năm ấy, năm cán
bộ bí mật lặn lội về Hòa Châu. Vì cả xã chỉ còn
duy nhất một căn hầm, nên cả năm người (gồm một o
giao liên vùng sâu, một cán bộ Tỉnh uỷ và ba chiến sĩ
giải phóng) đến ở cả nhà mẹ Tư. Câu chuyện rủi ro
đó đã xảy ra vào ngay mồng hai Tết. Sáng đó, phát
hiện thấy một số chiến sĩ đang gùi gạo qua vùng
trắng dân gần Hòa Châu, thằng Mo-ranh (máy bay trinh sát
hai thân OV10) gọi khu trục và phản lực đến giội bom.
Không hiểu có phải vì bị đạn dưới mặt đất bắn
lên không, mà hốt hoảng thế nào, chúng cắt lạc một
quả bom vào xã. ác một nỗi quả bom chưa nổ ấy lại
rớt xuống cạnh bụi tre nhà mẹ Tư; một nửa thân bom
cắm ngập giữa căn hầm năm người đang trú, đuôi và
cánh bom phơi chềnh ềnh trên mặt đất.Lúc quả bom
mới rớt, mẹ Tư đã hốt hoảng chạy đến. Nhưng vừa
tới bụi tre, mẹ đã sững lại. Từ trong lòng đất,
một tiếng nói bất thần vang lên, sắc lạnh như một
mệnh lệnh, chỉ vừa đủ để mẹ Tư nghe: "Mẹ
quay lại ngay. Mặc tụi con!". Ngay lúc ấy, phía sau
đã thình thịch tiếng chân người, tiếng gà bị đuổi
táo tác, tiếng chó sủa ran. Quả bom đầu tiên xuất
hiện ở một làng vùng sâu chưa từng bị máy bay đánh
phá, làm xôn xao cả xã. Bà con rầm rập kéo đến. Bọn
bảo an, dân vệ cũng hốt hoảng chạy cả lại. Kẻ la,
người thét gọi, vì thấy mẹ con mẹ Tư cứ quẩn quanh
trong nhà. Nhưng tuyệt không một ai hay ngay chỗ quả bom
đó có một căn hầm. Bây giờ thì ngay cả mẹ Tư nữa
cũng không biết những gì đã xảy ra dưới hầm. Chỉ có
điều cầm chắc cuộc đấu tranh trong lòng đất là
cực kỳ căng thẳng. Những gì đang diễn ra âm thầm ở
dưới đó đều liên quan đến việc "lên" hay
"ở lại". Có đấu tranh, có giằng co một cách
gay cấn; là vì rằng lúc quả bom mới rơi xuống, mẹ Tư
đã thấy thoáng có bóng người lao lên. Nhưng người đó
đã bị kéo xuống rất nhanh, và nắp hầm đậy ngay
lại. Năm người, năm đơn vị, năm nhiệm vụ khác nhau:
o giao liên vừa làm nhiệm vụ dẫn đường vừa thăm dò
tổ chức đường dây mới; đồng chí cán bộ Tỉnh uỷ
về gây dựng lại phong trào Hòa Châu; ba chiến sĩ giải
phóng người thì đi trinh sát, người thì vạch kế
hoạch tác chiến, người thì chuẩn bị chỗ lót quân
cho đơn vị mình trên đường tiến vào thành phố trong
chiến dịch sắp đến. Họ chỉ vừa mới biết nhau
trong chuyến đi này. Không ai có thể quyết định thay ai
trong giây phút trọng đại giữa sự sống và cái chết.
"Lên" hay "ở lại" - câu hỏi đơn
giản, nghiêm khắc, tàn nhẫn, đòi hỏi ngay sự trả
lời. Họ phải lựa chọn tức khắc. Lên thì chắc
chắn diệt được địch và có thể thoát, nhưng mẹ con
mẹ Tư bị chặt đầu, bọn địch lại một phen tàn sát
xã này và hàng năm nữa mới có hy vọng móc nối lại cơ
sở, mà chiến dịch thì không còn bao lâu nữa. Trụ
lại dưới hầm thì bảo vệ được cơ sở, nhưng nếu
tới giờ bom nổ ? Mà không phải chờ nữa, bọn địch
đang quát đuổi mẹ Tư ra khỏi nhà để chúng phá bom.
"Mấy ổng không được phá! Bom nổ, tan hết nhà
cửa, vườn tược tui". Mẹ cố tình thét thật to để
báo cho các chiến sĩ biết. Nhưng tất cả vẫn im lìm.
Mặt đất lặng thinh một cách bí hiểm. Bụi tre vẫn im
phắc đó. Lá tre xanh mướt cũng thôi không đung đưa,
mỗi khi gió xuân chợt đến. Và con chim chào mào yếm đỏ
vắt vẻo trên ngọn tre cao vút cũng đã lặng lẽ bay đi
từ lúc nào. Sự im lặng tuyệt đối đó nói rõ một
nghị quyết tập thể đã được biểu quyết: ở lại
đến cùng. Chỉ lên và nổ súng khi hầm bị phát hiện
- chọn lựa sự hy sinh ghê gớm nhất, vì họ tính nếu
bom nổ thì tuy hy sinh hết, nhưng hầm sẽ phi tang, gia đình
cơ sở được bảo vệ. Còn nếu bom không nổ thì đêm
sẽ thoát lên, trước khi rút, họ sẽ gài thuốc lại
cho nổ tung quả bom để xóa sạch vết tích căn hầm.Nhưng
địch đã hành động trước họ.
Sự việc ghê gớm ấy đã xảy ra vào cuối buổi
chiều của một ngày giằng co căng thẳng, khi bọn chỉ
huy đồn bảo an kéo xuống, ra lệnh cho tụi lính phải
phá huỷ tức khắc quả bom. Mẹ Tư làm mật hiệu gọi
các chiến sĩ lên. Nhưng im lặng vẫn bao trùm tất cả.
Trước cảnh bọn lính hớt hải đùn nhau, không
thằng nào dám lại gần quả bom, tên thiếu uý đồn trưởng
vung súng chửi thề: "Đồ chó đẻ! Tụi bay định cúng
thuốc nổ cho mấy cha nội du kích sao mà để quả bom
nằm đó!" Nhưng vẫn không thằng nào dám bén mảng
tới.
Cuối cùng, chúng phải hì hục đào hào, chất bao cát
làm công sự che chắn rồi dàn hàng từ xa vụt M.26
(lựu đạn Mỹ) vào...
- Không được phá... á á! - Mẹ Tư vùng khỏi bọn
bảo an lao đến.
Bom nổ...
Đêm ấy, một cơn giông lớn, đâu như nổi lên từ
biển tràn vào Hòa Châu. Bầu trời đen kịt như vỡ toác
ra trong tiếng nổ ầm ầm và những cột lửa sáng loáng
đổ xuống. Đồng ruộng, xóm làng vật vã dưới mưa rơi,
nước dâng lên ngập cả những con đường làng. Bọn
bảo an vẫn dòng dòng nối nhau đi rình rập các nhà dân.
Bà con nghe chúng nói với nhau: "Con mụ già gàn dở.
Mạng người không tiếc, tiếc gốc mít, bụi tre".
Không một ai hay biết chuyện gì đã xảy ra. Còn Kim thì
khóc hết nước mắt. Nhà bị tốc, cây mít bị xô nghiêng,
bụi tre biến mất và nơi căn hầm chỉ còn lại một
hục bom sâu hoắm. Cả năm người đều đã lặng lẽ ra
đi, không một lời nhắn lại. Chỉ còn lại đó thôi
một gốc cây mai quý - thứ mai vàng năm cánh mà o giao liên
mang về đêm giao thừa. Mấy ngày sau, ngay trên miệng
hố bom còn đầy nước ấy, mọc lên một mầm mai...
* *
*
Đúng mười hai giờ đêm, từ các hầm sâu trong lòng
đất, toàn tiểu đoàn xuất hiện, tập kết đủ mặt
ở bờ Nam sông Cẩm Lệ. Sương đêm trút, mặt đất tê
cóng, dòng sông mênh mang một màu trắng bao phủ. Trên
trời, đèn dù úa vàng run rẩy, trực thăng nối đuôi
nhau quần lượn; dưới nước, hàng chục chiếc thuyền
ào ạt rẽ sóng đưa bộ đội qua sông. Bên cạnh những
chiếc mũ tai bèo, những bộ quân phục màu cỏ úa, có
cả những cánh áo đen, áo nâu của bà con Hòa Châu. Mẹ
Tư ở lại bên sông. Bom nổ bữa ấy cướp mất của
mẹ một cánh tay. Lúc xuống thuyền, mẹ còn cố chạy
theo giúi cho tiểu đoàn trưởng Thanh mấy đòn bánh tét.
Kim chèo thuyền cho tiểu đoàn bộ. Dưới ánh pháo sáng
và đèn pha cực mạnh quét ra loang loáng từ các lô cốt
phòng thủ, gương mặt em càng ngời lên nét rắn rỏi,
kiên nghị. Tiểu đoàn trưởng Thanh thấy lòng mình nôn
nao, xúc động. Anh nhìn mặt sông đang chao động mái chèo
khua nước, rồi lại nhìn em gái với ánh mắt chan chứa
yêu thương. Nếu đêm nay trận đánh phía trước không
đến quá gần, và được một phút yên tĩnh, chỉ một
phút thôi, anh sẽ nói với em: O giao liên hy sinh trong căn
hầm ngày ấy không phải ai xa lạ, chính là Hương, người
thiếu nữ từng có những kỷ niệm gắn bó máu thịt
với anh. Mãi đến hôm nay, thật là tình cờ anh mới
hiểu cặn kẽ cội nguồn cái chết của Hương. Anh
biết Hương lần đầu cũng trong một chuyến theo Hương
soi đường về vùng sâu giữa mùa mưa. Gặp càn, anh và
Hương đã phải ngâm mình dưới hầm bí mật ngập nước
tới ngực suốt cả tuần. Tụi Mỹ đóng quân ngay trên
nắp hầm. Khát cháy cổ, anh và Hương đã phải nhắm
mắt uống từng hụm nước dơ bẩn dưới hầm và sống
cầm hơi bằng những vốc gạo rang chua loét, thum thủm mùi
vì ngâm nước đã quá lâu ngày. Đúng những ngày ấy Hương
lại rất mệt, nhưng anh không hay. Anh chỉ lấy làm lạ
khi Hương tấm tức khóc. Sợ lộ, Hương đã cố khóc không
thành tiếng, đôi môi mím chặt, nước mắt lặng lẽ
chảy dài. Anh gạn hỏi sao Hương cũng không trả lời.
Cứ mỗi lần thấy anh không chịu nổi cơn khát, cúi
xuống liều uống một hụm nước hầm, Hương lại như
khóc nấc lên, đôi tay bíu chặt lấy vai anh. Mãi sau này,
khi đã hiểu về phụ nữ; nhớ lại những vệt máu
loang đỏ trên mặt nước hầm ngày ấy, anh mới hiểu vì
sao Hương khóc... Hương xấu hổ, khổ sở vì đúng
những ngày ngâm nước ấy lại bị hành kinh và lại
phải thấy anh cố uống dù chỉ vài hụm để cầm hơi
những vệt nước hầm loang đỏ...
Thuyền cập bến. Đoàn quân ào lên bãi cát. Tiểu đoàn
trưởng Thanh nán lại một chút bên mũi thuyền. Anh đặt
bàn tay chai sạn, vạm vỡ lên vai em gái, giọng anh chan
chứa tình cảm:
- Thôi các anh đi đã nghe. Giờ nổ súng sắp tới
rồi!
- Các chú đi nhớ mau về giải phóng Hòa Châu.
Tiểu đoàn trưởng Thanh bỗng giật mình, khi chợt
thấy ánh sao đêm long lanh trong đôi mắt rất đẹp của
em gái. Mùa xuân đã tới rồi sao? Anh xốc mạnh ba lô. Và
trên cao kia, như có phép mầu kỳ diệu, bầu trời lúc
trước còn đen đặc màu mực mà bây giờ đã hiện ra
cả ngàn những ngôi sao đang đua nở. Những ngôi sao long
lanh, rưng rưng như những giọt nước mắt sướng vui.
Trong bụi sáng của hằng hà các vị tinh tú và trong không
khí của một trận đánh chắc thắng đang đến rất
gần, tiểu đoàn trưởng Thanh bỗng thấy trái tim mình nôn
nao, xao động. Hương vị của một mùa xuân đến sớm
đã dâng đầy trên vũ trụ mênh mông.
* *
*
Trong cuộc sống, có những mảnh đất tuy không phải
nơi chôn rau cắt rốn, mà với ta bỗng lúc nào đó trở
nên thân thiết như máu thịt. Khi chia tay, ngay cả trong
những năm tháng đầy biến động của chiến tranh, không
thể ước hẹn ngày về, nhưng ta vẫn luôn tự nhủ
với lòng mình: Không, ta sẽ về lại thôi, sẽ gặp
lại thôi. Với tiểu đoàn trưởng Thanh, Hòa Châu là
mảnh đất như thế. Vào một chiều giáp Tết - lại cũng
đúng vào ngày ông Táo lên trời của mùa xuân hòa bình
đầu tiên, Thanh may mắn có dịp ghé về Hòa Châu. Sự
đổi thay sau những năm tháng chiến tranh của mảnh đất
vùng sâu này làm anh ngỡ ngàng. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân
cách mạng xã tiếp anh không phải ai xa lạ, chính là
Kim, con gái mẹ Tư. Còn mẹ Tư thì đã hy sinh ngay trước
ngày hòa bình, khi dẫn đầu đoàn quân tóc dài trong ngày
nổi dậy cướp chính quyền. Chiều ấy, mãi chạng
vạng mới tạm xong những công việc đang rối bời ở
Uỷ ban, Kim đưa tiểu đoàn trưởng Thanh về nhà.
- Chắc anh không nhận ra được cây mai ngày ấy, nó
đã cao tới chừng này! - Kim chỉ về phía cây mai vàng -
Còn căn hầm anh trú thì ngay cạnh gốc mít kia.
Tiểu đoàn trưởng Thanh đứng lặng người trên
mảnh đất cũ. Mảnh đất thấm đẫm máu và nước
mắt. Biết bao người đã lặng lẽ nằm lại dưới lòng
đất này, trong đó có đồng chí cán bộ Tỉnh uỷ
Quảng Đà, có ba chiến sĩ giải phóng, có mẹ Tư và
nhất là có Hương - cô giao liên xinh xắn của anh. Sau
bữa thoát khỏi căn hầm bí mật ngập nước, tối đó
Hương đưa anh vượt vành đai Hòa Châu, bàn giao cho giao
liên chặng tới rồi chia tay. Phút chia tay, Hương dúi vào
tay anh chiếc khăn mùi xoa còn loang mùi bùn đất dưới căn
hầm trong những ngày kinh khủng mà anh và Hương vừa
trải qua, và nói gấp gáp trong hơi thở:
- Anh đi cẩn thận nghe! Sau chiến tranh gặp lại. Em
chờ!
Thế rồi chia tay, không gặp lại, chỉ thi thoảng
nhận được lời nhắn thăm mỗi lần hiếm hoi cán bộ
tiểu đoàn anh có dịp gặp Hương khi vượt chặng giao
liên này để vào vùng sâu. Thế nhưng với anh, lời Hương
lúc chia tay đã mơ hồ như một lời ước hẹn. Hình như
thể đã là tình yêu. Bây giờ thì Hương đã vĩnh viễn
nằm lại mảnh đất này. Chiếc khăn mùi xoa loang mùi bùn
đất Hương tặng, bao năm rồi vẫn lặng lẽ nằm trong
túi áo ngực anh. Hục bom sâu hoắm ghê gớm ngày ấy
vẫn còn đây. Vẫn gốc mít bị bom xô nghiêng năm xưa,
tuy những tán tròn sum sê cành lá chưa tỏa ra, nhưng
chồi xanh đã nhú và nhựa cũng đang chuyển trong từng
thớ gỗ. Cuộc sống mới đã thật sự hồi sinh ngay trên
mảnh đất còn đầy những thương tích chiến tranh.
Những căn nhà mới được dựng ngay trên những nền nhà
đổ nát bằng những vật liệu chính quyền cách mạng
mới cấp phát và bằng cả những rui kèo còn lại của
những ngôi nhà đã "quá cố". Hàng râm bụt trước
nhà đã lên xanh với những bông hoa đỏ sắc cờ. Có
tiếng hót của con chim nhỏ lảnh lót trên một cành mai.
Gốc mai Hương để lại, Kim trồng năm ấy, giờ đã lên
cao vượt đầu. Hình như có giọt sương đêm sa sớm đọng
trên cánh mai vàng mảnh dẻ, trong suốt đang khẽ khàng
lay động.
- Anh vô cúng má, rồi dùng cơm!
Kim đã chuẩn bị xong mâm cơm cúng và đến bên anh
từ lúc nào. Tiểu đoàn trưởng Thanh quay lại, anh bỗng
giật mình. Kim đã thay bộ đồ bà ba nâu từ lúc nào,
chiếc khăn rằn buộc hờ ở cổ, hệt như Hương ngày
ấy. Kim không còn là cô cháu gái, cô em gái ngày xưa
nữa, mà đã là một thiếu nữ xinh xắn, rắn rỏi, kiên
nghị "vị nữ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng
lâm thời xã Hòa Châu". Nhìn cặp mắt nồng thắm
của Kim mở to, đang nhìn anh chờ đợi, tiểu đoàn trưởng
Thanh bỗng thấy lúng túng. Anh chợt nhớ lại ánh sao đêm
long lanh đọng trong cặp mắt rất đẹp của Kim đêm giáp
Tết vượt sông năm xưa. Trái tim anh bỗng nôn nao, xao động.
Một tình cảm thật lạ lùng dâng lên xâm chiếm tâm
hồn anh. Hình như đó là tình yêu. Và hệt như cái đêm
nóng bỏng không khí chiến tranh năm ấy, tự lúc nào, cái
hương vị của một mùa xuân đến sớm đã dâng đầy
trên vũ trụ mênh mông.../.
Trần Mai Hạnh