NGƯỜI QUÊ

Đêm khuya, làng xóm không còn ánh điện.

Đom đóm và lân tinh nhấp nháy làm vụn nát lỗ chỗ vòng bóng tối thẫm đen của thôn làng. Những mái bằng và chóp nhọn các tòa nhà hai ba tầng vượt lên khỏi bụi chuối bờ tre sao nhoè nhoẹt như tranh thủy mạc. Xóm làng im ắng, họa có đôi ba con chó động cỡn vờn nhau ăng ẳng làm tắt đi từng lúc tiếng kêu chẵng chuộc trong những ao khoai nước và bèo tây.

Bỗng tiếng chuông điện thoại réo vang. Chuông điện thoại về đêm lan xa đánh thức dậy cả một chòm xóm đang ngọt ngào giấc ngủ. Chuông réo trong màn làm cho vợ chồng Thanh giật mình thức dậy. Tú, vợ Thanh ngồi thu lu giữa giường, run sợ rung động cả giường chiếu. "Hay là con cháu ở Hà Nội có đứa nào bị tai nạn?" Chị lo lắng đợi chồng nghe điện thoại. Thanh đã tỉnh ngủ quay lại sờ soạng nhấc ống nghe làm tắt đi hồi chuông giục giã như chuông báo động. Thanh vừa úp ống nghe vào tai đã nghe thấy giọng lề nhề say rượu của Vũ. Vũ nói:

- Mời ông sang ngay uống rượu với thịt con rắn hổ mang to đại tướng.

- Thôi nhé. Mình cảm ơn.

Vợ Thanh nói:

- Lão Vũ rồ chứ gì. Đồ nhà quê!

Thanh vỗ vỗ vào lưng vợ ra ý nói khẽ kẻo vọng vào máy, Vũ nghe được không tiện. May lúc đó anh vẫn nghe thấy giọng nói lề nhề của Vũ:

- Ông đang hú hí với bà xã chứ gì? Rượu thuốc nhắm với thịt rắn càng tăng lực ông ơi!

- Cảm ơn, hú háo gì mình đang có sự kiện mai nói sau, nhé.

Thanh úp ống nghe vào máy. Tú nằm xuống cạnh chồng, làu bàu:

- Đúng là nhà quê!

Thay vì sắp nói câu "Em tưởng người Hà Nội thì không nhà quê ?" Thanh vỗ vỗ vào trán vợ, nói với giọng âu yếm:

- Thôi mà, ngủ đi.

Tú nằm quay mặt ra cửa sổ. Thanh biết vợ mình chưa hết bực. Vợ chồng anh mới về quê được ba tháng. Anh đã quen với mọi hoàn cảnh sống, nhưng vợ anh là người Hà Nội gốc, quen sống ở Hà Nội, khó hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng nơi thôn dã.

Hồi tốt nghiệp đại học sử, anh đã quen thân cô sinh viên khoa văn con nhà tư sản ở Hải Phòng. Do tổ chức và bè bạn khuyên can anh đành phải cắt đứt tình yêu với cô sinh viên ấy để tìm đến Tú, giáo viên cấp hai con ông thợ cắt tóc ở gần Ngã Tư Sở. Thành phần dân nghèo thành thị của vợ làm phai mờ bớt lý lịch gia đình phú nông cộng với lối sống giản dị khiêm nhường được bạn yêu, thủ trưởng quý mà vẫn phải lận đận năm lần bẩy lượt anh mới được tổ chức duyệt cho đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Tuy không giàu nhưng Thanh cũng tạo được cho gia đình một cuộc sống khá giả đủ cho vợ khỏi cằn nhằn vì thiếu thốn và tấm bằng tiến sĩ sử học của chồng cũng đủ cho cô ta vênh vang khoe mẽ với mọi người.

Vợ chồng Thanh sinh được hai con trai. Thằng cả tốt nghiệp đại học, lấy vợ đã có con. Em nó đang học năm cuối đại học ngoại ngữ.

Căn hộ tập thể khép kín anh mua được ở khu Vĩnh Hồ hợp cho một gia đình nhỏ trước đây thì nay, khi đã có cháu, ba thế hệ ở cùng nhau, nó không còn được che chở nữa cho sự yên ấm của một gia đình lớn. Tú và con dâu ra vào chạm mặt nhau dẫn đến đối đầu và xung đột. Xét đến cùng cũng tại cô ta cố bắt con trai cắt bỏ mối tình với cô sinh viên quê nông thôn Thái Bình rồi dẫn dắt bằng được con trai lấy con một người bạn quê gốc Hà Nội. Anh bảo "con bé tuy người Hà Nội nhưng tính nết kém xa con bé quê nông thôn đấy". Vợ anh bĩu môi nói: "Gái nhà quê tốt đẹp đến đâu vẫn không bằng gái Hà Nội gốc". Kết cục Tú và nàng dâu do mình chọn sống cùng nhau chẳng được bao lâu đã không nhìn mặt nhau. Thậm chí chị luôn tìm cách xúc xiểm mong con trai bỏ vợ. Anh phải tìm cách cứu vãn tình thế vận động vợ về quê cho xa con dâu hơn, mặc dù biết rõ ràng nàng dâu ấy vào loại chẳng vừa. ở quê, anh lại có cơ ngơi khang trang thích hợp cho an dưỡng tuổi già vì vợ chồng anh đều đã nghỉ hưu.Ngôi nhà cổ bị dỡ bỏ từ hồi cải cách ruộng đất. Sau này bố mẹ đã xây sẵn cho Thanh ngôi nhà ngói năm gian hiên tây, trần gỗ de; ngôi nhà khang trang ngự trên nền đất cao giữa một vườn nhãn rộng bảy sào, xung quanh xây tường đá ong, ba bề sân gạch đều xây tường hoa con kiến lại có bồn hoa cây cảnh, hoa giấy leo thành giàn che mát sân gạch làm cho ngôi nhà có phong cách một tòa biệt thự ở thành phố. Vì tin cậy Vũ nên sau khi bố mẹ qua đời Thanh gửi nhà cửa vườn tược cho Vũ trông coi hộ. Vũ tuy ít học nhưng ngay thật, thẳng thắn trọng tình hơn trọng của. Chỉ tiếc là Vũ sống đơn giản quá, không biết đến sự hào hoa lịch duyệt và cái vẻ hào nhoáng bề ngoài, thứ mà đám tiểu thị dân như vợ anh rất coi trọng. Họ thường lấy cái vẻ hình thức bề ngoài để đối lập hạ thấp cái chân chất thô mộc của người nhà quê. Họ trọng thứ của mình. Khinh thứ của người. Chính vì thế mà Tú không muốn anh gần gũi thân mật với Vũ. Nhiều khi Tú tỏ ra xem thường Vũ ra mặt. Vì cú điện thoại đánh thức giấc ngủ làm Tú càng bực bội với anh bạn nông dân hàng xóm của Thanh. Tú nói:

- Anh bớt đi lại với lão Vũ, nhé.

- Em có thừa nhận Vũ là người tốt không?

- Nhưng em không ưa người mất lịch sự.

Thanh sắp nói: "Lịch sự mà bố mẹ còn sống sờ sờ, chị em nhà cô đã hùa nhau ép bán nhà để chia đều cho cả trai cả gái ba chục cây vàng mỗi người kẻo sợ bố mẹ chết không được phần".

Anh nói:

- Anh thấy ở đời hiếm có người tốt như tay Vũ. Anh trai chết, chị dâu đi lấy chồng hắn nuôi cháu ăn học, xây nhà, cưới vợ, mua cả xe máy cho cháu. Đừng chê hắn nhà quê.

- Nhà quê thì muôn đời vẫn là nhà quê.

- Em nhầm rồi. ở đâu cũng có người tốt người xấu chứ.- Nhưng người Hà Nội về mọi mặt phải hơn hẳn người nhà quê.

- Em lại nhầm rồi. Hà Nội cũng có người tốt có người xấu...

Đêm ấy vợ chồng họ rì rầm đến khuya.

Nửa buổi hôm sau thấy Vũ khuềnh khoàng đi vào cổng, Thanh vội chạy ra để dặn dò đôi điều, trước khi Vũ vào nhà. Vũ có dáng người mập, chắc hẳn lưng gù, đôi chân quềnh quàng như vừa đi vừa đá ngang. Thấy Thanh, Vũ văng tục:

- Ông như con bò... tôi, đêm qua gọi sang uống rượu không sang. Ông quý vợ ông hơn tôi.

Thanh mỉm cười, nói:

- Ông so sánh khập khiễng thế, vợ là vợ, bạn là bạn. Ông có thể bỏ vợ để sang sống với tôi không?

- Đương nhiên là không.

- Thế. Cho nên ông không chỉ vì bạn mà làm khổ vợ con. Sáng nay họ phải đi lao động, vậy mà đêm qua ông bắt họ thức khuya để nấu nướng hầu hạ mình. Tôi vì nể họ mà không sang với ông.

- ối chà, trí thức các ông kỹ tính bỏ mẹ. Cánh nông dân chúng tôi cứ là ào ào được việc.Trước khi cùng Vũ đi vào sân, Thanh ghé tai bạn nói khẽ:

- Bà vợ tôi tính tình như mắm tôm, để tôi khuyên nhủ dần, ông thông cảm, đừng trêu trọc mụ ấy, nhé. Tôi xin ông đấy.

Nói xong, Thanh chạy vào nhà trước. Anh bảo vợ:

- Đây là nông thôn chứ không phải Hà Nội. Em đánh mỏ đỏ, mặc váy ngắn khó coi lắm. Thay quần vào đi.

- Anh đừng "nông dân hóa" em, nhé. Đời nào em phải hạ mình sinh hoạt theo nhà quê.

- Em không chịu hiểu biết gì cả. Thế nào gọi là "ở bầu thì tròn ở ống thì dài".

Không ngờ Vũ nghe được câu chuyện của vợ chồng Thanh. Anh nói từ dưới sân:

- Ông đánh giá thấp nông dân rồi đấy nhé. Ông ra phố chợ mà xem, gái làng ta mặc váy cộc bằng vạn. Chúng nó cũng ôkê, cũng bia ôm nhảy nhót lắc ra lắc. Nhà quê bây giờ cũng ăn chơi lắm.

Tú ngó ra cửa lên tiếng:

- Em chào anh Vũ à.

- Chào bà, bà đại xá cho cú phôn đêm qua, nhé. Đấy là rượu nó phôn chứ không phải tôi phôn.

Ngang sân gạch hằn một đường phân trâu do đế dép của Vũ đi qua để lại. Mặc dù trên thềm gạch gốm màu be hồng nhẵn bóng như phủ gương đã trải sẵn một tấm thảm chùi chân và hai ba đôi dép để mé ngoài báo hiệu không đi dày dép vào nhà nhưng Vũ cứ cả dép xăm xăm đi vào. Phân trâu hằn từng vết trên nền gạch hoa. Thanh nói khẽ cốt cho vợ không nghe thấy:

- Ông bỏ dép ngoài thềm hộ tôi tý.

- Ông quý cái nền nhà hơn tôi. Tôi thèm vào nhà ông nữa.

- Kìa ông nhìn đi. Thanh vừa nói vừa chỉ trỏ xuống nền gạch. Vũ nhìn theo rồi vội vàng tụt dép ra khỏi chân, nói:

- Chết thật, dẵm phải phân trâu lúc nào thế không biết.

- Ông ra bể nước rửa dép đi. Để tôi lau chùi cho.

Nhưng việc ấy đã không che được mắt Tú. Chị đến gần chồng, bĩu môi, bịt mũi, nói:

- Kinh khủng ở đâu ấy.

Rồi Tú bằng cả hai bàn tay bưng mồm bưng mũi chạy xa xuống bếp.

Sau khi hai người đã chùi sạch những vết phân trên nền gạch và rửa ráy chân tay xong, họ cùng đi vào nhà.

Thanh cố ý nói thật to để Tú thấy mình không bỏ qua lối sống cẩu thả của bạn. Anh nói:

- Bảo bỏ dép ngoài thềm ông cũng phản đối, thế là ông sai đấy nhé. Tôi quý ông chứ không thể quý cái dép bẩn của ông được.

- Thì tôi đâu biết có phân trâu ở đế dép

- Nhưng nhà tôi lau nền nhà sạch để đi chân không cho mát. Ông đi dép vào làm mất công lau chùi của bà xã tôi chứ.

Tiếng Tú gọi vóng từ sau nhà vào:

- Anh Thanh ơi, lấy nước mà cọ rửa lại đi. Anh lau khô mà sạch được cứt trâu. Cẩu thả đâu ấy.

Vũ nói:

- Trí thức các vị sống cầu kỳ quá, nào, tôi với ông đi rửa nền nhà cho bà ấy.

Thanh xua tay:

- Ông ngồi chơi, để tôi làm cho.

Thanh múc xô nước vừa kỳ cọ nền nhà vừa nói:

- Ông xây nhà tầng, lát gạch thật sang nhưng ông để nhà bụi bặm lôi thôi, tôi phê bình ông đấy.

Vũ hề hề cười. Anh và Thanh đều đã ngoài 60 tuổi, tuy cũ kỹ con người nhưng nhìn anh cũng như Thanh đều trẻ hơn đến mười tuổi. Nhiều khi hai người vẫn "mày, tao" như thời cùng chăn trâu. Tuy ít học nhưng Vũ tài làm ăn và dạy dỗ đàn con nên người. Lũ con Vũ chỉ học cấp hai cấp ba nhưng đều làm ăn chí thú, đứa nào cũng giàu có. Hai cô con dâu Vũ đều ngoan ngoãn biết kính trọng bố mẹ chồng, hơn đứt con dâu của vợ chồng nhà này, cũng kỹ sư, trí thức mà hỗn láo, lăng loàn. Tuy chí thú kiếm tiền làm giàu nhưng Vũ không khi nào hạ mình vì tiền. Mấy hôm trước người ta đến trả tiền nhãn nhưng vì vợ chồng Thanh đi vắng nên anh từ chối không cầm tiền hộ, hẹn sẽ đưa vợ chồng Thanh đến nhà trực tiếp nhận tiền. Vũ nói:

- Tôi về lấy xe máy đèo ông đi đòi tiền nhãn, nhé.

Nghe nói đến tiền nhãn, Tú nhanh nhảu chạy vào, nói:

- Không được bớt cho họ nữa, anh Thanh nhé. Rồi quay lại chị hỏi Vũ:

- Liệu có đòi được tiền không anh?

- Sao không?

- Nhãn họ hái rồi. Mình cầm dao đằng lưỡi.

- Bà tưởng dân nhà quê dễ lừa thế á.

Thanh lừ mắt nhắc khéo vợ ăn nói ý tứ kẻo mất lòng Vũ. Vũ tặc lưỡi, nói:

- Tốt nhất là tôi lai bà đi. Đàn bà mới đối phó nổi đám dân buôn.

Thanh liền nhìn vợ, gật đầu.

- Đúng rồi, em đi đi.

- Vâng, anh giúp em với nhé.

Hơn tiếng đồng hồ sau hai người đã đem được tiền về. Đến trước cổng Vũ bảo Tú xuống xe để anh rẽ về nhà mình. Tú giơ bọc tiền chỉ về phía nhà mình:

- Anh vào nhà em uống nước, em nhờ tý.

- Nhờ gì để lúc khác, tôi về đây.

Thấy vợ cầm tiền đi vào sân, Thanh hỏi:

- Thế nào, dân nhà quê có quỵt tiền không?

Tú cười, nói:

- Y sì mười hai triệu, không dám xin bớt của em một đồng. Mình cất tròn mười triệu, còn hai triệu bồi dưỡng cho lão Vũ, anh ạ.

Thanh xòe bàn tay định ngăn vợ nhưng lại muốn để Vũ dạy cho vợ mình bài học nên anh cười, nói:

- Tùy muốn chi mầu bao nhiêu thì chi.

Mọi ngày không đi làm Vũ cứ sậm soạch lúc lúc lại mò sang nhà Thanh. Hai người như phải lòng mặt. Lần này từ buổi đưa Tú đi lấy tiền bán nhãn về, đã qua hai ngày không thấy mặt Vũ đâu, Thanh liền đi sang nhà Vũ. Anh hỏi:

- Ông biến đi đâu, hai ngày nay?

- Tôi ở nhà uống rượu, hớ hớ... Ông uống với tôi một chén nhé.

- Không.

- Ông khinh tôi à?

- Thế tôi mời ông đọc một cuốn sách ông từ chối, tôi cũng khinh ông sao?

- Xin chịu bố, bố học nhiều có khác.

Vũ ngừng lời giơ cao điếu cày rít một hơi dài, vỗ vỗ vào miệng ống điếu vài cái rồi ghé mồm vào ống điếu thổi bay cả nước điếu và sái thuốc ra nền nhà gạch men Italy.

Thanh cúi xuống nhặt sái thuốc bỏ vào thùng nhựa rồi nhặt giẻ lau chùi sạch nước điếu trên nền nhà. Vừa làm anh vừa nói:

- Ông ở bẩn lắm. Có thùng rác rõ đẹp mà không xì sái thuốc vào đấy. Phí cả nền gạch men.

- Thì cánh nông dân chúng tôi lấy tiện lợi làm đầu.

- Sang nhà tôi đánh ván cờ.

- Đánh thì đánh.

Vũ sách theo cả điếu cày, gói thuốc lào và bao diêm đi theo Thanh.

Trước khi vào nhà anh đến gốc nhãn ở góc sân rít một hơi thuốc lào rồi để luôn điếu đóm ở hốc cây nhãn. Tú từ trong buồng ra cầm theo tập tiền hai triệu đồng. Chị nói:

- Tối qua đợi mãi chả thấy anh sang chơi.

- Bà đem tiền ra làm gì vậy?

- Anh vất vả giúp chúng em quá nhiều. Vườn nhãn không có anh trông đỡ thì cũng chẳng có mà bán. Em biếu anh chút ít để chè thuốc.

- Bà trả công cho tôi, hả?

- Đâu phải thế, anh.

- Bà tưởng cánh nông dân chúng tôi nghèo, hám tiền lắm hay sao? Này, tiền tôi vô khối nhé. Lúc nào bà cần giật nóng dăm mười triệu, bố con tôi cũng có ngay, nhé.

Thanh xua tay, nói:

- Em cất tiền đi. Ông Vũ ạ, bà xã tôi quen với cơ chế thị trường ở Hà Nội rồi. ở Hà Nội nhờ ai chỉ trỏ mua bán không chi mầu cho họ là không xong.- Nhưng đây là nhà quê chứ có phải cơ chế thị trường Hà Nội đâu.

- Thôi vậy, em xin lỗi anh. Tú vừa nói vừa đi vào buồng. Chờ cho vợ từ buồng đi xuống bếp, Thanh mới vỗ vỗ vai Vũ, nói khẽ:

- Cảm ơn ông đã cho mụ ấy bài học.

Vừa khi ấy có một ông hàng xóm đi vào, Vũ nói:

- Bỏ dép ngoài thềm ông nhé.

Ông hàng xóm nhếch mép tỏ ra khinh thường Vũ là đồ trọc phú, nói kháy:

- Tôi tuy nghèo nhưng cũng biết phép tắc đấy ông Vũ ạ.

Rồi ông hàng xóm nhăn nhó nói vòng vo tam quốc:

- Tôi hôm nay lại phải sang phiền ông Thanh chút việc đây.

- Có việc gì hở bác?

- Vì bốn hôm nữa cưới con ông cậu rồi, thằng con tôi thì ở mãi tận trong Đồng Tháp, viết thư đến không kịp. Lại phải sang xin ông cho gọi nhờ điện thoại, báo cho cháu nó về kịp.

Vũ nói xen vào:

- Đơn giản, gọi hết bao nhiêu phút cứ tính tiền mà thanh toán, có máy cạnh nhà, các ông đỡ phải đi gọi xa đã là giúp đỡ nhau rồi. Dân mình buồn cười lắm, nhiều ông đến gọi nhờ điện thoại xong vác đít về không muốn xì tiền ra. Có biết đâu người ta phải mất tiền mua máy, mua dây, thuê bao rồi gọi đi cú nào mất tiền cú ấy.

- Vì thế tôi có bao giờ đến nhờ vả máy nhà ông đâu. Ông hàng xóm hơi vằn mắt khi nói với Vũ.

Vũ bèn đốp chát:

- Tức là ông định đến đây gọi chạc không tiền chứ gì?

- Tôi thèm ăn chạc nhà ông đâu mà ông chõ mõm vào.

- Ông ví mồm tôi như mõm chó, mõm lợn hay sao mà bảo là "mõm"?

Vũ đứng dậy, sừng sộ chỉ tận mặt ông hàng xóm. Vợ Thanh nháy mắt ra hiệu chồng im lặng để Vũ dạy cho lão hàng xóm bài học. Từ ngày về, đây là lần thứ ba lão hàng xóm sang gọi nhờ điện thoại. Chị đã có lần nói gần nói xa nhưng lão không hiểu ý nói cà nói kê trong máy, gọi xong vác đít về không hề có một lời cảm ơn. Tháng trước riêng cho người đến gọi nhờ chị đã mất hơn trăm ngàn đồng. Biết chồng cả nể, chị phải mua cái hòm khóa lại và đã mua sổ, bút bi để cạnh máy để ai có nhu cầu gọi điện thì ghi tên số máy, thu tạm ứng sau thanh toán theo báo giá của bưu điện. Mình không làm dịch vụ, không lấy lãi. Ai ứng thừa sẽ trả lại.

Trong khi hai người hàng xóm to tiếng Tú bèn bưng máy, kèm theo quyển sổ và cái bút bi để xuống cạnh chồng, nói:

- Anh Thanh ghi số máy tỉnh Đồng Tháp, rồi thu tạm ứng trước mười ngàn đồng. Cuối tháng bưu điện báo giá còn thừa thì trả lại cho bác. Chắc chắn phải hơn mười ngàn đồng. Hai lần trước em cho bác gọi nhờ không tính tiền.

- Đúng rồi, Vũ nói: ai đến gọi thì tạm ứng trước. Công đâu đi đòi nợ vặt. Nhiều anh chầy bửa hòng ăn quỵt.

Cặp mắt ông hàng xóm vằn lên những tia đỏ trong khi mặt mũi đang dần dần tím tái cảm giác máu mặt dồn hết vào đôi mắt cá đói. Hai hàng răng nhỏ dài khít liền nhau của ông ta nhe ra như sắp cắn nhau. Ông ta không có một xu trong túi, không có tiền ứng trước nên tính kế trút bực vào Vũ để rút lui trong danh dự. Chỉ tay sát mặt Vũ, ông ta nói:

- Tôi đấm thèm phải quỵt tiền của ai. Ông chớ cậy giàu ăn nói láo với tôi là không xong.

Vũ kém ông hàng xóm dăm ba tuổi người thấp nhưng béo, khỏe hơn bèn túm lấy cánh tay vặn người ông ta vẹo xuống, nói:

- Ông không được phép chỉ tay vào mặt tôi, nhé. Nghèo rách tổ đỉa còn làm ra oai.

- Ông nghèo cũng không dí thèm phải nhờ thằng nào cả.

Ông hàng xóm phăm phăm ra về. Vũ nói:

- Cái lão răng chuột nhắt chuyên bòn của người. Một xu không chịu bỏ ra đâu. Tôi nói thẳng thừng kẻo ông bà khó xử sẽ bị lão ấy ăn quỵt.

Tú cười. Bỗng nhiên chị thấy cảm tình hơn với Vũ. Lúc này cái dáng thô kệch quê mùa của Vũ nói lên tính thật thà ngay thẳng làm chị thấy Vũ như tấm lá chắn vững vàng là chỗ dựa chắc chắn cho vợ chồng chị ở chốn quê này.

Đêm ấy trước khi đi ngủ Tú để kênh máy điện thoại khỏi bị hàng xóm quấy rầy đánh thức, nhất là Vũ.

Quãng 10 giờ đêm vợ chồng Thanh nghe thấy có tiếng đập thình thình ngoài cổng sắt rồi tiếng làu bàu của Vũ:

- Ngủ chó gì mà ngủ sớm thế chứ.

Tú lay vai chồng, bảo:

- Đừng lên tiếng, chắc lão ấy say rượu rồi.

Tiếng Vũ gào to ngoài cổng

- Ông Thanh ơi, có việc gấp đây.

Thanh ngồi dậy. Tú kéo chồng nằm xuống giường. Thanh vừa cố ngồi dậy vừa nói:

- Em vớ vẩn nhỉ, biết đâu có việc cần.

Thấy Thanh, Vũ làu bàu:

- Không nhẽ tôi mặc xác vợ chồng ông. Bấm máy điện thoại bao nhiêu hồi vẫn không chịu tha.

- Có thấy chuông kêu đâu. Có lẽ bị kênh máy đấy.

- Thằng Lợi con út ông bị cấp cứu rồi.

- Sao? Nó thế nào?

- Nó bị chị dâu đập vào chỗ phạm.

- Ai báo tin cho ông biết?

- Người làng ở Hà Nội. Họ gọi điện thoại về nhà ông không được đành phải gọi về máy nhà tôi để báo cho ông biết.

Thanh run lập cập không nhớ mở cổng mời Vũ vào nhà. Tú ở trong nhà chạy ra, linh cảm thấy chuyện chẳng lành, chị hỏi rối rít:

- Có chuyện gì anh Vũ?

Vũ không trả lời vào câu hỏi. Anh bảo Thanh:

- Tốt nhất là ông chuẩn bị quần áo, tiền nong rồi để tôi phi xe máy đưa ông về Hà Nội ngay. Còn bà Tú cứ yên tâm, ở nhà có bề gì thì gọi điện cho vợ con tôi sang giúp.

- Vì sao anh Vũ?

Vừa đi về nhà mình Vũ vừa trả lời Tú:

- Chỉ tại cô con dâu rách trời rơi xuống mà bà rước về chứ sao nữa.

Khi hai người đi rồi, Tú khóa cổng sang nhà Vũ để hỏi cho ngọn ngành. Khi biết rõ thằng út bị chị dâu đánh, Tú lặng người đi nhưng rồi vì sĩ diện, chị đành phải nói:

- Chị em nó vẫn quý nhau kia mà.

Rồi chị đi về. Chị bấm số máy điện thoại của nhà mình ở Hà Nội. Khi nghe thấy có tiếng "lệch kệch" ở trong máy, chị vừa lên tiếng "A lô! A lô!" đã nghe thấy tiếng cúp máy "kệch kệch" hai tiếng. Chị biết ngay đứa con dâu mất dạy không thèm trả lời mình. Trong lòng vừa căm tức con dâu vừa lo lắng cho con trai, chị đi đi lại lại dọc năm gian nhà. Chị muốn hét lên cho bõ tức, muốn kêu lên cho đỡ khổ nhưng hàng xóm biết chả bõ xấu đành cắn răng chịu đựng. Rồi chị lên ngồi thu lu giữa giường hết nước mắt dài đến nước mắt ngắn.

Hai giờ sáng có chuông điện thoại réo vang.

Tú chồm lại vồ lấy ống nghe úp vào tai. Chị nhận ngay ra tiếng chồng mình.

- Em cứ yên tâm. Thằng bé chỉ bị choáng, đến bệnh viện cấp cứu tỉnh lại rồi!

- Nhưng nó bị đánh thế nào hả anh?

- Xô đẩy nhau. Thằng bé ngã ngửa xuống cầu thang lộn mấy vòng.

- Anh tống con ranh ra khỏi nhà ngay cho em nhờ.

Thanh cười trong máy, nói:

- Tống sao được. Người Hà Nội gốc chứ có phải nhà quê đâu mà dễ tống đi được.

Tú vừa úp ống nghe xuống máy vừa làu bàu:

- Đến nước này mà ông ấy còn đùa được.

Rồi sực nhớ ra điều quan trọng, chị lại nhấc ống nghe bấm số máy của nhà mình ở Hà Nội. Chị lại nghe thấy tiếng chậm rãi của chồng mình:

- Lại chuyện gì nữa nào?

- Anh nhớ đón tiếp chu đáo anh Vũ nhé. Anh ấy rất nhiệt tình với nhà mình. Hay là cho em nói với anh Vũ mấy câu.

- Được ngay thôi, cầm máy nhé.

Ngay sau đó chị nghe thấy giọng sền sệt thuốc lào của Vũ:

- Bà đấy ! Thằng cu không sao đâu. Bà cứ yên tâm ngủ khì đi nhá.

- Anh Vũ ạ! Em xin lỗi anh nhé. Em rất biết ơn anh.

- Kìa bà, bà có gì không phải với tôi đâu mà phải xin lỗi. Bà lo nghĩ quá thành lẩn thẩn rồi đấy.

Rồi Tú thấy tiếng cười nói của Vũ và chồng mình nghe rõ mồn một trong máy.

Chị úp ống nghe vào máy và yên tâm tắt đèn giắt màn, đi ngủ lại. Làng quê vẫn yên ắng thanh bình chỉ nghe thấy gió thổi rì rào như hơi thở êm đềm của những người nhà./.

Nguyễn Hữu Nhàn

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC