VỊ ĐẮNG CỦA VIÊN KÝ NINH

Một buổi chiều mưa rả rích, có hai người khách lạ, một già khoảng 60 tuổi và một trẻ khoảng 20 hiện diện trước căn chòi. Bác Bảy ngẩn ngơ đứng nhìn, khi bắt gặp nụ cười nơi khoé miệng của người khách già, bác vội reo lên mừng rỡ:

- Trời ơi...! Sáu Phát!

Họ ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Sau vài chung rượu ấm tình một thời xa cách, bác Sáu chỉ vào Tâm rồi nhìn bác Bảy, giọng khẽ buồn:

- Mong anh chăm sóc dùm nó... Cha mẹ nó mất hết rồi. Tôi thấy nơi đây, giữa đồng mông quạnh nhưng ấm áp tình người, hy vọng bên anh, nó sẽ khôi phục lần trí nhớ.

Vừa nói, bác Sáu vừa thò tay lấy từ trong túi áo ra một tấm giấy được bọc rất cẩn thận bằng miếng ni lông. Bác Bảy chìa tay đón nhận, chăm chú đọc thầm, như đắc ý bác vỗ đùi một cái đét:

- Tấm giấy này là lá bùa hộ mệnh hay nhất.

Kể từ hôm đó cứ mỗi sáng bác Bảy lùa vịt ra đồng đều dẫn Tâm theo. ý bác muốn cho Tâm dần dần quen cảnh ruộng đồng và hít thở những không khí trong lành, hy vọng bệnh của Tâm sẽ thuyên giảm? Nhiều khi bác bận việc nhổ cỏ ruộng hay chăm lại những cây lúa bị mưa gió thổi ngã, bác giao bầy vịt cho Tâm giữ. Lần nào cũng như lần nấy khi Tâm một mình trước bầy vịt, anh cầm cây huơ đuổi lung tung như người đang múa đường quyền. Bầy vịt hốt hoảng trước cơn khùng của anh, chúng chạy tứ tán. Có bầy thì chạy vào khu vườn, có bầy chạy ra tới trục lộ, có bầy chạy vào đồn làm mồi cho bọn lính. Phải thế thôi sao? Cứ mỗi lần như vậy, Tâm biệt dạng. Lúc đó bác Bảy không còn nghĩ đến bầy vịt mà lo sự an nguy của Tâm. Bác sợ bọn lính trong đồn không nghĩ Tâm bệnh tâm thần mà là cơ sở do thám, báo hại bác đi lùng sục khắp thôn. Cuối cùng bác cũng gặp Tâm trong những ngôi nhà gần đồn. Lần nào bác cũng nhắc nhở: "Cháu hãy tập trung trí nhớ thì bịnh mới mau bình phục!". Mặc bác nói, Tâm vẫn ngơ ngơ nghễnh nghễnh lục lạo, lôi những đồ đạc từ trong tủ của nhà người ta sắp thành hai hàng dọc, miệng thì nói lảm nhảm: "Bước. Một... hai... một... địa ngục...". Bà con quanh vùng thường bảo với bác Bảy: "Cháu nó bịnh tình như vậy rồi, âu cũng là do số phận cả. Bác cố chiều cháu nó đi. Tụi tôi quanh đây thấy nó cũng thương, chứ không nỡ trách nó làm chi!". Đôi lúc bác Bảy cũng được nghe: "Hình như con Thuý - con bà Tư, có tò te gì với thằng Tâm?". Bác hơi choáng, nhưng vẫn nhắc: "Tâm, cháu liệu hồn đấy! Có đứa con gái nào dám thương...?". Tâm lúc nào cũng nhe răng cười khi bị bác rầy. Riêng lòng bác như chẳng được an.Thuý năm nay 17 tuổi, cô vừa đậu trung học đệ nhất cấp lại nghỉ học ở nhà phụ với mẹ trong việc thu lúa gạo và tiền vay của người dân. Ông Tư - cha của Thuý, mất năm cô ở tuổi 14. Ông Tư sống rất nhân hậu có tình có nghĩa với xóm giềng, thấy ai đau ốm hay túng thiếu ông thường lén lút, qua mặt bà Tư đem tiền hoặc đem lúa gạo đến tận nhà giúp đỡ họ. Nhiều khi ông cũng đứng ra bảo lãnh người dân bị giặc ruồng bố bắt oan nên ông được bà con quanh vùng quý mến trân trọng. Trái lại, bà Tư là người rất thâm hiểm, bà còn có thằng con trai thứ hai, hắn là trung uý ban 2 - an ninh quân đội nguỵ, thuộc Tiểu khu Vĩnh Long. Tên này mỗi lần về thì ít hôm sau có người bị mời vô đồn vì tội vay tiền hoặc lúa của mẹ hắn quá hạn mà không trả để lính trong đồn răn đe họ đủ điều. Lòng dạ hắn cũng không thua gì người mẹ.

Hằng năm khi lúa chín trĩu vàng, người dân nơi đây cứ thắc thỏm lo sợ ngón đòn của bà cùng tên trung uý trưởng đồn. Tên này mới về nhậm chức có hơn một năm mà biết bao nhiêu người vô tội chết dưới làn đạn oan nghiệt của hắn. Khi bà Tư nhỏ to cùng hắn, hôm sau là có cuộc hành quân phối hợp cùng đám lính tiểu khu. Những thửa ruộng lại là những tấm bia cho đạn pháo, xe tăng càn phá. Cây lúa lại bị vùi dập dưới lòng đất. Bà con lại trắng tay, lại đến vay lúa của bà. Bà bảo: "Tôi thấy tại giặc giã bà con mới đói khổ, tôi không chịu nổi... thương tình... mùa này cho bà con vay một giạ đến mùa sau nhớ đong lại cho tôi một giạ rưỡi nhé!". Lỡ mùa sau ruộng bị sâu rầy phá hại không có lúa đong trả, bà bức bách buộc họ lấy giấy bán đất cho bà. Nhiều người rơi vào thế trận của bà, đành ngậm đắng nuốt cay, chịu đựng. Có người lại rơi vào cảnh quá khốn khó, họ đành rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn mà đi. Giờ sao con Thuý lại quan hệ với thằng Tâm? Hay là nó đã đánh hơi thấy ở thằng Tâm điều chi? Những ý nghĩ hiện ra như tơ nhện chằng chịt, bác Bảy hơi rối. Bác nhớ lại.

Trưa nay, bác đang ngồi trốn nắng dưới rặng trâm bầu, bỏ mặc đàn vịt lùng sục tìm mồi trên ruộng. Bất ngờ hai tên lính tay cầm súng M16 xăm xăm đi tới:

- Làm gì ngồi thừ ra đó ông già Bảy? - Tiếng của thằng lính đi trước.

Bác Bảy chưa kịp lên tiếng. Tên này bồi luôn có vẻ như ra lệnh:

- Trung uý trưởng đồn nhắn ông lựa sáu con vịt sắp đẻ, còn tơ.

Không đợi bác trả lời, hai tên bỏ đi vào hướng khu vườn. Chợt tên đi sau nói vọng lại:

- Ông Bảy nhớ nhé! Đừng nên chọc giận trung uý đấy!

Chúng đi rồi, bác vẫn ngồi dưới gốc trâm bầu vừa hút thuốc vừa nghĩ ngợi...

Bác Bảy đang thả những bước chậm chạp trên lối mòn. Thuý từ hướng đồn đi ngược lại, cô nghe tiếng vịt kêu trong túi đệm nặng trĩu trên tay bác. Thuý cất tiếng hỏi:

- Bác đem vịt đi bán hả?

Bác Bảy nhìn Thuý đăm chiêu như dò xét. Bỗng bác bắt gặp từ trong đôi mắt tròn đen lay láy cùng sống mũi thẳng hoà hợp với gương mặt bầu bĩnh của Thuý một sự phúc hậu. Bác hơi yên lòng phần nào.

- Bác đem vịt bán cho lái... Thằng Tâm nó bị làm cữ...

Đôi mắt Thuý thoáng buồn:

- Anh Tâm bệnh... có nặng không hở bác?

Trước cử chỉ lo lắng của Thuý, bác đã hiểu. Bác định nói thêm điều gì nữa, không biết nghĩ sao bác gật đầu rồi bỏ đi...

Có tiếng chó sủa vang, bác cố căng tròn đôi mắt nhìn thẳng vào khu vườn. Dưới ánh trăng lấp loáng, dáng một cô gái đang thả bước nhanh len lách qua những hàng cây trụi lá vì chất độc hoá học tiến về phía ruộng. Khi bàn chân cô gái bước lên trên đê, bác thoáng ngỡ ngàng vội đi vào chòi: Tâm đang nằm co quắp ngáy đều đều. Bác đưa tay gõ nhẹ vào mông, anh giật mình ngơ ngác. Đôi mắt bác Bảy chiếu thẳng vào mắt Tâm... Vừa bước ra, bác gặp Thuý tới trước vuông sân. Giọng trầm tĩnh, bác hỏi:

- Cháu đi đâu mà khuya khoắt thế này?

Thuý cúi đầu bẽn lẽn:

- Cháu đem thuốc cho anh Tâm.

- ở đâu cháu có vậy?Thuý đứng vân vê vạt áo, trả lời:

- Lúc chiều nghe bác nói... cháu cố đi lục tìm khắp các tiệm trong xóm, rất may còn một tiệm có thuốc.

Bác Bảy đỡ Tâm ngồi dậy:

- Há miệng ra nào - Bác bảo.

Miệng Tâm vừa hé, Thuý nhanh tay thảy gọn viên thuốc vào. Tâm nghe vị đắng của viên ký ninh tan trong miệng rồi lan dần xuống cuống họng.

Thuý ngồi bên bếp đun nồi lá sả mà cô đã nhổ ở sau vườn. Nhìn ánh lửa hồng đang nhảy múa mà lòng cô buồn rười rượi, rồi uể oải đứng lên thở dài, đến kề bác Bảy:

- Chốc nữa, bác cho ảnh xông... ra mồ hôi được thì khoẻ... cháu về.

Nói xong, cô vội ra ngoài và mất hút...

Sáng nay cơn gió bấc càng thổi rét hơn mọi khi, sương giăng trắng mờ qua thôn. Có tiếng chân người hối hả, họ vừa đi vừa bán tán về chuyện tày trời tối hôm qua. Sao không nghe một tiếng súng mà cái đầu thằng trung uý bị treo lơ lửng trước cửa đồn, còn bọn lính đâu?

Tiếng động cơ đinh tai nhức óc của đoàn xe GMC và thiết vận xa M113 của Nguỵ từ hướng huyện Trà Ôn rần rần rộ rộ chạy xuống đồn.

Đang chăn bầy vịt ngoài đồng, bác Bảy nghe rõ mồn một tiếng hét điều quân của giặc từ trục lộ vọng vào. Như phán đoán được phần nào sự việc, bác ung dung lùa bầy vịt vào chuồng. Bỗng bác gặp bọn lính có hơn đại đội từ trong khu vườn đang căng hàng ngang tiến ra phía ruộng. Bác nhanh chân vào chòi. Tâm cũng đã trong tư thế sẵn sàng. Bác Bảy hối thúc: "Cháu chuồn cho lẹ, chạy sang khu vườn ông Hai... Cái hầm đó an toàn lắm... Chuyện nơi đây để bác liệu!". Tâm chần chừ. Giận quá, bác quát: "Lẹ đi!". Tiếng lội nước bì bõm ngoài thửa ruộng. Bác Bảy vội khom mình rút khẩu AK được kẹp sát dưới chõng tre, bác vọt ra ngoài nhanh như sóc. Tâm cũng nhanh tay rút khẩu AK của mình giấu trong đống củi rồi vọt ra cụm rơm trước hiên sân đứng kề bác Bảy. Bác lại giục: "Sao không chạy đi... Bác ở đây bắn chặn chúng". Thấy Tâm không lỡ bỏ bác ở lại một mình, đôi môi bác run lên: "Mầy còn trẻ... còn nhiều việc phải làm nữa... không phải chuyện đáng chết nơi đây... Chạy đi...". Tâm lựng khựng. Giận quá, bác kéo họng súng của Tâm kề vào bụng mình: "Hoặc là mày giết tao còn hơn...!". Tâm vừa quay mình, chợt bác xô mạnh anh ngã chúi vào cụm rơm, liền đó một loạt đạn huơ ngang. Bác lại thét: "Chạy đi...!". Mắt Tâm nhoè lệ, anh cắn chặt đôi môi như cắn chặt nỗi hờn căm rồi băng mình qua thửa ruộng phía sau chòi. Tiếng súng cùng tiếng đạn pháo của địch càng lúc càng ì ầm như xé toạc cả bầu trời. Thỉnh thoảng, tiếng AK trả lời rồi im bặt. Tâm nghe tim mình nhói đau...

Bọn sĩ quan Ngụy đang ngồi quanh bên cái tràng kỷ trong phòng khách nhà bà Tư. Tên trung uý - con bà Tư, đứng lên diễn giải sự việc thao thao bất tuyệt như muốn phô trương sự thông minh và cái tài năng trong ngành an ninh của mình trước tên đại uý cố vấn Mỹ cùng các sĩ quan thuộc tiểu khu:

- Không ngờ thằng Tâm lại lủi về đây. Nó là sinh viên năm thứ hai văn khoa được Việt cộng cài vào trong phong trào đấu tranh chống Mỹ đổ quân vào miền Nam. Nó bị bể sau cuộc xuống đường, có lẽ cùng đường nó mới về đây ẩn thân chờ thời cơ.

Hắn nốc một hơi cạn ly bia, phấn chấn tiếp:

- Ông bà Bảy trước đây là dân kháng chiến chống Pháp, lão ta không đi tập kết, được cài ở lại hợp pháp. Căn cứ vào hiện trường trong đồn, những đĩa mồi vịt chỉ vơi được một phần, bình rượu còn hơn phân nửa. Ngoài vũng máu đặc lại đen sẫm bên cái xác không đầu của trung uý, không còn dấu vết nào khác, tôi nghi trong rượu có thuốc.

Tên trung uý nói đến đây, các tên sĩ quan kia thì thầm với nhau có vẻ thắc mắc. Một tên lại lên tiếng hỏi:

- Còn đám lính đi đâu?

Hắn mỉm cười ra vẻ ta đây:

- Chuyện quá dễ hiểu. Việt cộng không giết, chỉ bắt sống chúng... Chính trị mà...

Cả bọn đều hướng tầm mắt vào hắn tỏ vẻ khâm phục. Chợt hắn nhìn sang tên trung sĩ trực máy nói lớn lên cốt ý cho Thuý nghe:

- Mày lệnh cho tụi nó kéo xác lão Bảy và thằng Tâm ra xe rồi rút.

Thuý đột quỵ bên trong vách buồng...***Tâm cùng đoàn vừa đặt chân đến cổng bệnh viện quân y của Nguỵ, đập vào tầm mắt anh là quang cảnh vắng đìu hiu. Các dãy phòng quanh trại chỉ còn vài tên lính bệnh nặng nằm đó, anh nghĩ thầm trong bụng: "Chúng bỏ chạy hết rồi!". Những bông hoa phượng nở đỏ bừng lên khoe sắc dưới ánh nắng ban mai, nét hân hoan như rạng lên trên khuôn mặt đầy phong sương của anh, nhưng trong anh những hình ảnh về cái chết hiên ngang của bác Bảy, về những hy sinh anh dũng của đồng đội, những đau thương mất mát trên quê hương vẫn còn hiện hữu trong dòng ký ức.

Tiếng của anh bộ đội đang đứng trước mặt cắt ngang dòng suy nghĩ của anh:

- Thưa bác sĩ, có một tên đại uý nguỵ bị thương nặng, mất máu nhiều, e...

Tâm đi theo anh bộ đội không chút do dự, ngang qua đoàn, anh khẽ nói:

- Các đồng chí ở đây tiếp nhận việc bàn giao nhé...!

Từ trong phòng phẫu thuật bước ra, Tâm thoáng giật mình trước dáng một người con gái đang đứng kề bên trụ cột ngoài phòng. Anh căng mắt nhìn, lòng mừng rỡ tiến đến. Thuý cũng ngước lên, cô rất đỗi ngạc nhiên, rồi chợt hiểu những nham hiểm trong lời nói của người anh cô bảy năm về trước. Tâm chùn bước khi thấy bụng Thuý no tròn sau vạt áo. Anh cất tiếng ngập ngừng:

- Thuý... em...?

Thuý nhỏ giọng buồn buồn:

- Chồng em đang ở trong phòng mổ.

- à... chồng em đã được cứu sống... Chúc em hạnh phúc...Tâm thọc sâu hai tay vào túi quần, thả những bước dọc theo dãy hành lang mà nghe như vị đắng của viên ký ninh ngày nào đang tan dần trong miệng./.

Vương Sỹ Ca

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC