Hay tin Giác bảo vệ luận án "Phó tiến sĩ"
về bộ môn lịch sử, chúng tôi mừng lắm. Lớp bộ đội
chống Mỹ chúng tôi thường học hành gián đoạn. Giải
phóng miền nam xong mới vừa công tác, vừa theo học trường
này trường nọ. Nay ai có học vị đều rất mừng cho
nhau. Toàn đến nhà rủ tôi đi dự buổi bảo vệ luận
án của Giác từ sáng sớm. Tôi giật mình bảo:
"Một giờ chiều kia mà". Toàn cười tủm tỉm:
"Dễ mình ông mới biết một giờ chiều". Tôi
hỏi: "Sao ông đi sớm thế?". Toàn bảo: "Ông
có chè ngon pha một ấm uống đã. Sau đó, ta đi ăn sáng.
Tôi định thế này...". Tính Toàn lúc nào cũng thư
thái, ung dung. Hồi còn ở chiến trường, trong ba-lô Toàn
bao giờ cũng có một gói chè ngon, một bộ ấm chén
hạt mít đánh rửa sạch bóng, mỗi cái chén được
bọc kỹ bằng một mảnh giấy báo và một cái bếp lò.
Mỗi lần cơ động đến trận địa mới, sau khi đào
hầm hào, chuẩn bị phương án tác chiến xong là anh
nổi lửa đun nước pha chè. Anh cầm chén chè nóng, hơi
quẩn lờ mờ mặt nước, hít ba cái hương cái vị thơm
ngậy thật lâu rồi mới từ từ nhấp từng tí một.
Tôi bảo: "Chè ngon thì có. Loại thứ thiệt nhé!
Không có thuốc kích thích đâu. Nhưng ông chờ tôi đun
lại nước và rửa ấm chén đã".
Toàn vừa thưởng chè vừa bảo: "Khá. Chè của ông
khá thật. Tôi định lên Nghi Tàm, Quảng Bá chọn lấy
mấy chục bông cúc thật đẹp". Tôi tặc lưỡi
bảo: "Lúc nào đi, ra hàng hoa thiếu gì mà phải
mất buổi lên tận Nghi Tàm, Quảng Bá". Toàn bảo:
"Nếu ông vội tôi đi cũng được". Đến nước
ấy, tôi đành ngậm tăm theo anh.
Ba chúng tôi nhập ngũ một ngày. Toàn và Giác là học
sinh trường Bưởi. Chúng tôi vẫn gọi đùa anh là ông
Đồ Bưởi. Còn tôi học ở trường huyện. Trong đại
đội, cánh thanh niên học sinh Hà Nội bao giờ cũng hào
hoa hơn đám lính nhà quê chúng tôi. Lúc đầu họ thường
chơi với nhau. Nhưng sau này, qua gian khổ, qua chiến đấu
thì sự thân nhau chẳng còn phân biệt lính quê, lính
tỉnh nữa, cứ hợp là chơi với nhau, thế thôi. Tôi thân
với Giác và Toàn từ hồi Toàn là chính trị viên đại
đội, Giác là đại đội phó, còn tôi là đại đội trưởng.
Tôi rất phục tính cẩn thận, chu đáo, lịch thiệp
của Toàn. Có lần mẹ tôi bảo: "Con chả phải học
ai. Cứ học ngay anh Toàn".
Phải nói Toàn chọn hoa công phu lắm. Đi cả mấy vườn
cúc mới mua được vài chục bông. Mấy bà bán hoa la
trời, bảo anh: "Kỹ tính, cầu kỳ quá". Những
bông cúc Toàn chọn phải vừa nở tới thật to, thật tròn,
cánh hoa thật tươi, thật đều như tay thìa, thân hoa
thẳng tắp bông nào cũng như bông nào. Người khó tính
đến mấy cũng không thể chê vào đâu được. Tôi
thấy một vườn hoa phăng và một vườn hồng Đà Lạt
đẹp quá, bảo Toàn mua thêm ít bông hồng nữa, chứ ai
tặng toàn cúc trắng. Cái kiểu chọn cúc của Toàn thế
này bao giờ cho xong. Toàn cười tủm tỉm. Anh bảo:
"Không nên tặng bạn hoa hồng". Tôi bảo:
"Hoa hồng là thứ hoa đẹp nhất, là chúa của các
loài hoa kia mà". Toàn bảo: "Quan niệm của mỗi
dân tộc về hoa có khác nhau. Ông có thấy hoa hồng cũng
như các loài hoa khác, khi tàn, cánh rơi lã tã không? Còn
hoa cúc, càng tàn, các cánh hoa càng bện chặt với
nhau". Tôi ngỡ ngàng trước nhận xét của Toàn.
Vạn sự ở đời đều có gốc rễ cả. Toàn vẫn đủng
đỉnh, nhẩn nha từng câu từng chữ: "Người Trung
Quốc lấy hoa cúc làm biểu tượng cho mùa thu. Người
Nhật Bản lấy hoa cúc làm biểu tượng cho mặt trời.
Người Pháp lấy hoa cúc làm biểu tượng cho chiến công.
Cho nên cái Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Hoàng đế
Napoleon có hình bông cúc trắng. Còn ở ta, các cụ nhà mình
lấy hoa cúc làm biểu tượng cho sự thủy chung. Càng khó
khăn, khô héo, các cành hoa càng xoắn xuýt với nhau. Cho
nên, người Hà Nội, bao giờ cũng đón tết Nguyên đán
bằng một chậu cúc thật đẹp. Ngay cả những năm có
chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, người Hà
Nội có thể thiếu thứ này thứ nọ chứ không bao giờ
thiếu hoa cúc. Cúc vàng, cúc trắng, cúc đại đóa, hay cúc
gấm là tùy theo ý thích của mỗi nhà. Mùi hương tết
quyện vào hương hoa cúc dịu dàng tạo nên một mùi thơm
nồng nàn, trang trọng. Năm nay đón xuân ông cứ mua một
chậu cúc mà xem. Còn đào, mai, chỉ là thứ yếu. Những
nhà có tiền mua thêm cắm vào lọ lục bình đặt trên bàn
thờ ông vải cho sắc xuân thêm rực rỡ.
Tôi thật sự bất ngờ. ở đơn vị, chúng tôi vẫn
gọi Toàn là Đồ Bưởi thật không ngoa. Vào dịp tết,
tôi vẫn đi chúc tụng người thân và bạn bè ở Hà
Nội, thấy nhiều nhà có chậu hoa cúc rất đẹp, nhưng
tôi có biết đâu cúc lại quý đến như thế.Giọng Toàn
vẫn đều đều, khúc triết:
- Ngày xưa có chàng chinh phu trấn ải lưu đồn ở vùng
Cửu Đức (tức tỉnh Thanh Hóa ngày nay). Người vợ thay
chồng phụng dưỡng bố mẹ già và nuôi dạy các con. Nàng
hiếu thảo, xinh đẹp, một lòng thủ tiết chờ chồng.
Hết ba năm, chàng được giải ngũ. Bước vào khoảng sân
nhà mình, chàng chợt thấy ở góc luống cúc chi vàng
rực có một bông hồng nhung vừa hé nở, cánh hoa còn
long lanh mấy giọt sương đêm.
Sau khi vái chào và biếu quà cha mẹ, chàng ra vườn
cắt bông hoa hồng ấy đem vào buồng tặng vợ hiền. Gương
mặt nàng đang phấn chấn bỗng biến sắc, tái bợt đôi
gò má. Chàng chinh phu đang vui nên vô tâm không để ý
nỗi buồn chợt đến của vợ mình. Chiều chồng, nàng
mỉm cười nhận lấy bông hồng rồi lấy lọ ra cắm vào.
Đêm ấy, nàng cự tuyệt chăn gối với chồng. Nàng
bảo: "Chàng mới đi xa về, cần phải nghỉ ngơi".
Sớm hôm sau, không thấy nàng trở dậy. Chàng mở cửa
buồng thì nàng đã treo cổ chết tự lúc nào. Chàng ôm
chặt lấy thi thể vợ mình kêu khóc thảm thiết: "Vì
duyên cớ gì nàng phải chết khổ chết nhục thế này?".
Cha chàng nhìn cánh hoa hồng rơi xuống mặt bàn, hỏi:
"Ai đem bông hồng này vào đây?". Chàng gạt nước
mắt, thưa: "Con tặng vợ con". Người cha ôm
mặt khóc. Ông vừa nuốt nước mắt vừa nói: "Con
ơi! Vô tình con làm chết vợ con rồi. Từ ngày xa chồng
năm nào nó cũng trồng cúc đợi con. Nó đêm ngày mong ước
được con tặng cho một bông cúc. Vậy mà con lại tặng
nó hoa hồng. Hồng là thứ đào hoa bạc mệnh, sắc hương
rực rỡ, nay nở mai tàn. Cánh hoa rụng để trơ lại cái
thân đầy gai. Bạc lắm, bạc lắm! Người Việt ta không
muốn khía mũi nhọn vào hiện tại và quá khứ con ơi!
Con tặng hoa hồng cho vợ, có khác gì con ngầm bảo nó
không son sắt, một lòng một dạ với con. Con đã đem
gai đâm vào tấm lòng thủy chung của nó".
Chàng chinh phu hối hận khôn nguôi. Trên mộ vợ mình,
chàng trồng toàn hoa cúc. Thường ngày, chàng chăm sóc tưới
tắm, cứ thế, đến trọn đời.
*
* *
Giác bảo vệ rất thành công luận án phó tiến sĩ. Các
giáo sư phản biện vào bảo vệ luận án của Giác đều
có lời khen. Chúng tôi thật sự cảm động và khâm
phục tinh thần kiên trì học tập của Giác. ở chiến
trường ra, anh chưa hết lớp mười phổ thông. Đầu
thập kỷ 80, anh vừa theo học Học viện chính trị - quân
sự vừa ôn luyện lớp 10 để thi đỗ vào khoa Sử Trường
đại học tổng hợp Hà Nội. Ai đã sống qua thời bao
cấp, hẳn chưa quên sự vật lộn lo ăn từng ngày của
mỗi người, mỗi nhà. Những người lính chúng tôi vốn
quen với việc nhà đã có vợ lo. Trong chiến tranh, người
phụ nữ phải "một thân nuôi già dạy trẻ".
Khi nước nhà thống nhất đầu Bắc, đầu Nam đất nước
lại chưa yên. Chúng tôi vẫn vắng nhà biền biệt. Năm
một vài lần. Giác được về Hà Nội học. Cũng lại
vợ nuôi ăn, đóng học cho. Giác bảo vệ luận án vào
thời buổi kinh tế thị trường, tốn kém lắm. Vì
vậy, chúng tôi vẫn nói vui là luận án "Phá tài
sản". Cũng may, thời nay người Hà Nội lại yêu
chữ và quý chữ. Cho nên một buổi vợ Giác dạy ở trường,
một buổi chị luyện thi nên cũng có đồng ra, đồng vào.
Chị dạy giỏi, có kinh nghiệm, học sinh thi đỗ vào
khối A cao.Toàn đại diện chúng tôi ôm hoa lên tặng.
Vẫn cái giọng thư thái, khúc triết của "ông Đồ
Bưởi", Toàn nói:
- Con nhà lính chúng tôi vẫn nghĩ vợ mình như gốc
rễ, còn mình như cành lá. Gốc rễ có vững bền, cành
lá mới tốt tươi, đứng vững trước mưa to, gió lớn.
Cho nên, chúng tôi xin phép các thầy giáo, các nhà khoa
học được tặng hoa cho chị Khang, vợ anh Giác - người
đại diện cho những người vợ hiền, đảm đang của
chúng tôi.
Toàn chuyển làn bất ngờ quá. Chúng tôi xúc động
lặng người trong giây lát rồi cũng ào ạt vỗ tay râm
ran cả hội trường. Ai nấy đưa mắt tìm chị Khang.
Chị kín đáo và khiêm nhường ngồi khuất ở hàng ghế
sau cùng./.
Dương Duy Ngữ