Vậy là Lan đã đến quá chậm. Vì thời tiết xấu,
chuyến máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Pháp từ
Paris đi Hà Nội đã phải hoãn lại mất 5 giờ đồng
hồ. Hà Nội vừa qua cơn bão, không khí mát lạnh hơi nước.
Cây cối tả tơi và mặt mọi người vẫn còn vương nét
bàng hoàng. Như sau này bà được biết thì có tới hơn
một trăm cây sấu và xà cừ thuộc dạng cổ thụ đã
bị đổ trong trận bão này. Và cả Hiệp nữa, người
đàn ông đáng kể nhất, khoảng trời xanh kỳ diệu
nhất trong cơn bão lốc đời bà đã ra đi. Ông đã không
thể chờ đợi bà thêm được hai giờ nữa trong số năm
giờ mà số phận tàn nhẫn lại gieo rắc thêm lên mối
tình của họ.
... Nửa thế kỷ trước, bà là một cô hàng xén, mười
sáu tuổi xinh đẹp, duyên dáng nổi tiếng tháo vát, đảm
đang. Một tay cô với một gánh hàng nuôi nấng một bà
mẹ ốm yếu với một đàn em nhỏ dại. Hiệp là con bà
giáo góa hàng xóm. Bạn bè từ thuở ấu thơ, nên duyên
bao giờ chẳng rõ. Hai người đàn bà góa coi hai đứa
trẻ như con một nhà, những mong ngày một ngày hai chúng
nên gia thất. Những ngày đi học, Hiệp thường gánh hàng
hộ Lan ra phố huyện. Lan thường chăm chút quần áo, sách
vở cho anh. Công việc nặng nhọc cần có bàn tay đàn ông
đều có chàng trai khỏe mạnh đứng ra xốc vác. Bạn bè
Hiệp thường gọi đùa Lan là "chị giáo". Trong
số những người hay trêu chọc nhất phải nói tới Bình.
Bình cùng học một lớp với Hiệp, và là con một địa
chủ giàu có trong vùng.
Cuộc đời tưởng cứ êm đẹp mãi nếu bỗng không có
tai ương đổ ập xuống đời họ. Mật thám Pháp ập vào
lớp khám xét bắt Hiệp mang đi vì trong cặp sách của
anh có truyền đơn Cộng sản. Anh bị giam trong xà lim
cầm cố không được gặp thân nhân vì là phần tử
nguy hiểm. Bình, người bạn học cùng lớp, không ngờ
lại rất hết lòng với Hiệp, chẳng quản liên lụy, Bình
tìm mọi cách tiếp tế cho Hiệp. Bình đã tự nguyện
trở thành bạn chí thiết của Hiệp và trở thành người
thân cận trong gia đình hai bà góa không nơi nương tựa.
Rồi nghe nói Hiệp bị chuyển đi nhà giam Hỏa Lò ở
tận Hà Nội. Bình cũng biệt tăm. Hai tháng sau, Bình
trở về, gày rộc, hốc hác báo tin: Anh tổ chức vượt
ngục cho Hiệp. Cuộc vượt ngục thành công, nhưng không
may Hiệp bị thương quá nặng đã hy sinh trên tay anh bên
một bờ sông giáp biên giới Cao Miên. Lúc hấp hối,
Hiệp đã trối trăng gửi gấm mẹ già và Lan cho Bình chăm
sóc. Bình đã thề sẽ cống hiến trọn đời mình cho
sự sống và hạnh phúc của Lan. Lan chỉ tin khi Bình chìa
ra cho cô xem một mảnh vải bẩn thỉu được xé ra từ
vạt áo trên đó có mâý chữ bằng máu nguệch ngoạc
"Rất yêu em! Bình giúp anh!". Cô đau đớn khóc
ngất từng cơn. Trước tin dữ, mẹ Hiệp lặng lẽ qua
đời. Bình đứng lên làm đám tang cho bà rất chu đáo
như thể Bình chính là con trai bà, và nghiễm nhiên tự
coi mình là vị hôn phu mới của Lan. Lan chỉ còn biết
khóc ròng trước ý nguyện của người đã khuất. Nhưng
cũng phải hai năm sau, cô mới chính thức trở thành vợ
của Bình sau bao nhiêu ràng buộc về kinh tế, ơn huệ cũng
như lời thúc giục, trách móc của Bình.
Tháng 10/1954, khi đứa con đầu lòng của hai người
bị chết yểu vừa được 5 tháng, một cô em họ đi dân
công hỏa tuyến nhắn về "... anh Hiệp vẫn còn
sống. Anh hiện là tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn
quân chủ lực. Nhưng anh đang bị thương rất nặng, chưa
tỉnh. Bác sĩ chưa cho ai gặp. Em vội đi theo đoàn không
đợi được. Chị lên ngay. Địa chỉ: Trạm quân y Thái
Bình".
Không một lời để lại cho gia đình, ngay trưa hôm đó
Lan bỏ đi tìm Hiệp. Lan hiểu rằng có một điều kinh
khủng gì đó đã xảy ra trong cuộc tình tay ba giữa
Hiệp - cô - Bình. Cô cần biết sự thật. Sau một tuần
lặn lội cô đã tìm được anh. Anh vừa qua cơn hiểm
nghèo. Thật không tả xiết nỗi xúc động, vui mừng
của anh khi được gặp Lan. Cô không nỡ đập tan niềm
hạnh phúc của anh. Anh vẫn không hề biết gì về
chuyện cô đã có chồng. "Em biết không, chính
thằng Bình, cái thằng con nhà Trùm Khoát, học cùng lớp
với anh, đã tố giác anh với bọn mật thám. Cuộc vây
bắt ở lớp học là do nó chỉ điểm. Chính nó đã bỏ
truyền đơn vào cặp của anh. Những tờ truyền đơn
ấy anh đã đi rải hết từ đêm. Nó nhặt lại rồi nhét
vào cặp sách của anh. Anh không ngờ...". Choáng váng
cả nười, Lan đau đớn vô cùng. "... Lại cũng chính
nó đã mua chuộc bọn mật thám để bọn chúng đánh
chết anh. Nhưng tụi đao phủ chỉ tra tấn anh tàn nhẫn
đến mức phải chở đi nhà thương Phủ Doãn. ở đó
tổ chức của ta đã cứu được anh ra vùng tự do. Sau
khi lành vết thương, anh được trên cử đi học một khóa
huấn luyện ở Côn Minh, Trung Quốc mất ba năm. Vì bí
mật quân sự anh không được phép liên lạc với gia đình...".
Bàng hoàng trước sự thật nghiệt ngã, ngay đêm đó,
Lan lặng lẽ bỏ về sau khi để lại một bức thư trình
bày mọi việc và ngàn lần xin anh tha thứ."... Em không
còn xứng đáng với anh. Em đã trở thành vợ một tên
phản bội, chỉ điểm, vợ của kẻ thù của anh và
giờ đây cũng chính là kẻ thù của em. Em chẳng còn
mặt mũi nào để nhìn lại người em yêu dấu, người mà
em tôn thờ. Hãy coi như em không còn sống trong cõi đời
đầy ô nhục và bẩn thỉu này. Đừng tìm em...".
Lan đi luôn xuống Hải Phòng, với ý định sẽ lên
bừa bất kỳ một chuyến tàu nào đó để rời xa quê hương,
mong xóa đi được mối tình đầy bi thảm và tủi nhục
của mình. Sau bảy ngày vất vưởng vạ vật trên bến
cảng, cô mới chen nổi lên được một chuyến tàu há
mồm. Trên bờ, đã một ngày, loa phóng thanh vẫn kiên trì
nhắc đi nhắc lại: "... Anh là Nguyễn Hữu Hiệp tìm
vợ là Bùi Ngọc Lan. Về ngay anh đợi...". Cô lấy
tay bịt tai lại. Nước mắt không ngừng đầm đìa trên
mặt. Cô đã trở nên nhơ nhuốc!
Vào tới Sài Gòn, tiền hết, không nơi nương tựa.
Lan gục ngã vì đói, khát và kiệt sức trước một
cổng chùa. Nhà chùa đã mở lòng từ bi cứu giúp và bao
dung cô suốt hai năm. Chán ngán sự đời, Lan xin vị thượng
tọa cho cô được xuống tóc quy y, nhưng Người khuyên cô
hãy từ bỏ ý định đó. Vì theo Người, Lan còn nhiều
duyên nợ với trần tục. Ba năm sau, có đôi vợ chồng
chủ hiệu nhỏ, đã cao tuổi rất nhân hậu, vốn là đệ
tử thân cận của chùa hay chuyện, liền hết lòng nhờ
thượng tọa gá duyên cầm sắt cho chàng bác sĩ trẻ, người
con độc nhất của họ. Lan đã kể hết cuộc đời cô
với bao trắc trở, khổ đau cho họ nghe. Mến vì nết,
trọng vì tình, đôi vợ chồng già và vị bác sĩ trẻ càng
yêu thương cô hơn. Vậy là Lan nên duyên với bác sĩ
Tuấn để năm năm sau cô đã là mẹ của hai đứa trẻ
bụ bẫm xinh xắn. Dưới bàn tay thu vén đảm đang, tháo
vát của cô, cửa hiệu thuốc nhỏ của gia đình Tuấn
đã nhanh chóng phát đạt và mở rộng. Đến giải phóng
năm 1975, Lan đã trở thành bà chủ của công ty thuốc tân
dược Ngọc Lan có chân rết tỏa ra khắp các tỉnh
miền nam, miền trung và là một bạn hàng có uy tín của
các công ty lớn của Mỹ, Pháp.
Bắc, nam sum họp đã khiến các em Lan tìm được
chị. Chỉ đến lúc đó, sau bao năm xa cách, bà mới
biết rằng mối tình đầu của bà vẫn còn sâu nặng hơn
bà tưởng. Ông Hiệp chẳng những đã tha thứ cho bà mà
còn đi tìm bà khắp nơi. Khi tuyệt vọng, ông đã ở
vậy nuôi mẹ già cùng đàn em nhỏ của bà. Để vơi đi
nỗi buồn khổ, Hiệp lao vào phấn đấu vừa học vừa
làm. Với tài năng và trí tuệ sẵn có cộng với tinh
thần nỗ lực bền bỉ, Hiệp rất được cấp trên tín
nhiệm. Ông liên tiếp được đề bạt tăng cấp, chẳng
mấy chốc đã trở thành một tổng cục trưởng trẻ
nhất đầy năng lực của một bộ.
Bao năm đã qua, các em bà đã học xong đại học, có
công ăn việc làm tử tế cũng là lúc bà mẹ hấp hối.
Cụ cảm ơn ông bằng ba vái lạy và xin ông hãy nghĩ đến
bản thân. Cụ xin ông hãy lo nhanh chuyện riêng tư kẻo
cuộc đời lỡ dở của ông sẽ làm lương tâm cụ cắn
rứt không nhắm mắt nổi "... nếu con không lo,
xuống dưới âm, mẹ sẽ chẳng dám nhìn mặt mẹ con, vì
gia đình mẹ có tội đã làm mất dòng dõi nhà họ
Nguyễn Hữu...".
Trớ trêu thay thằng bé đầu lòng của ông mới vừa
đầy hai tuổi thì miền nam giải phóng. Bà viết một lá
thư thật dài kể lể hết nỗi lòng thương nhớ. Rằng
chồng bà đã rõ hết sự tình, và cho phép bà được
lựa chọn. Song trước cửa Phật, bà đã cùng ông Tuấn
thề nguyền sẽ ăn ở trọn kiếp, cho nên nay bà chỉ có
thể mời ông vào chơi để tạ ơn sâu nghĩa nặng.
Nhận được thư, Hiệp vô cùng đau đớn. Ông cũng
viết lại cho bà rằng ông không thể gặp lại bà được
nữa, bởi lẽ cả hai đều đã có gia đình riêng, đều
có những trách nhiệm với những người thân, không
thể tùy tiện xóa bỏ. Hơn nữa ông không thể tới
gặp bà được nữa bởi ông vẫn còn yêu thương bà da
diết. Sợ rằng nếu gặp lại, ông sẽ quên đi hết nghĩa
vụ và trách nhiệm của mình. Chỉ xin sau này trước khi
nhắm mắt xuôi tay, ông được cầm lại tay bà trong
chốc lát.
Vậy mà giờ đây bà lại đến quá muộn. Sau khi
nhận được thư của Hiệp, bà và chồng mình hiểu
rằng chỉ có thể rời bỏ xứ sở may ra cả hai gia đình
mới được yên lành. Bà đã đi Pháp cùng gia đình. Và
bây giờ đây, khi nâng đôi bàn tay đã giá lạnh của
Hiệp, bà hiểu rằng kiếp sau, nếu lại có kiếp sau thì
sẽ chẳng có gì có thể chia cắt nổi tình yêu của
họ.
Nguyễn Thị Anh Thư