Thì đấy, như đêm nay chẳng hạn. Bữa cơm tối nhà
ông vốn chẳng bao giờ được sớm sủa. Cái thằng bố
cả hôm nào cũng đi làm về muộn. Bà ấy thì cứ buổi
chiều là đi tập thái cực quyền với Hội Người cao
tuổi, cũng chẳng về sớm gì. Ông thì cũng mải dẫn
thằng cháu đích tôn ra sân tập thể, vừa trông chừng
cho nó chơi đùa, vừa lắng nghe chương trình thời sự
chiều của Đài Tiếng nói Việt Nam. ấy thế nên cô con
dâu quen nếp, cũng chả vội nấu bữa cơm chiều cứ
thong thả thu dọn cửa nhà, tranh thủ giặt giũ cho tới
nhập nhoạng tối mới xoay vào chuyện cơm nước. Thành
ra bữa cơm tối nhà ông, trăm bữa giống cả trăm, cứ
là vừa ăn, vừa xem chương trình thời sự của đài
truyền hình. Mà cũng không chỉ có vậy. Bữa cơm tối là
thời gian duy nhất trong ngày cả nhà hội tụ. Thôi thì
đủ thứ chuyện xoay quanh mâm cơm. Từ chuyện học hành,
chuyện chơi đùa ở lớp của thằng cháu, chuyện công
việc ở cơ quan bố, cả đến chuyện của cô con gái...
Hết chuyện nọ lại xọ sang chuyện kia. Nhiều khi cơm nước
xong đã lâu, cô con dâu pha ấm trà ngon ông và bà uống
đến nhạt cả rồi, mà cả nhà vẫn ngồi quanh cái bàn
ăn trò chuyện cho tới lúc mẹ con thằng cháu lên phòng
dạy nhau học bài. Cô con gái thu dọn bát đĩa xong cũng
đã về phòng mình. Ông bà thì đưa nhau lên phòng khách
xem truyền hình. Rồi thì ông xoay ra đọc báo, đọc sách.
Có hôm lại lúi húi viết lách cho thật khuya...Đêm nay cũng
thế. Có dễ phải gần nửa đêm ông mới lên giường.
Vậy mà vừa mới chợp mắt, ông bật choàng tỉnh dậy
vì cái tiếng đàn bà lanh lảnh rao đêm.
"Ai bánh mì, khoai nóng... đơ.. ơ.. đơi..."
Quái lạ. Sao mà có thứ đàn bà, con gái tiếng rao
cứ lanh lảnh đến thế. Đêm tĩnh lặng, cái tiếng rao
lại càng như xuyên, như xoáy vào tai ông. Đã thế sao cái
tiếng rao cuối không phải là "đây" mà lại là
"đơ... ơ... đơi" và cứ kéo dài ra, khiến ông
chẳng thể nào ngủ lại được. Thói đời nó thế.
Tuổi già khó ngủ, đã đành. Mà đã chợp mắt rồi, thì
y như là chẳng dễ gì ngủ lại được ngay. Thế nên,
trằn trọc một lúc, ông Tiến quyết định ngồi dậy và
ra khỏi giường.
Rời khỏi phòng ngủ của mình, cũng chẳng thèm bật
đèn, phần vì sợ vợ con mất ngủ lây, phần vì ông cũng
không muốn ánh sáng quấy rầy ông thêm nữa, ông Tiến
lững thững lần cầu thang xuống tầng một. Ông định
bụng sẽ ra đường, gọi cái đứa rao đêm lại mà
mắng cho mấy câu bảo nó rao khẽ thôi. ừ, làm ăn gì
thì làm, cũng phải nể người khác chứ. Đêm hôm khuya
khoắt thế này, cứ ầm ầm như chốn không người,
chẳng để cho ai ngủ nghê gì cả.Nghĩ thế, ông Tiến
lần ra cửa chính. Ông sờ tay lên nóc tủ kê sát tường,
nơi vẫn để chìa khoá. Quái lạ, sao hôm nay không thấy
chùm chìa khoá đâu cả. Buổi tối, không biết đứa nào
khoá cửa mà không để chìa vào chỗ cũ. Sờ soạng
một hồi lâu, mà chẳng thấy chùm chìa khoá đâu, ông
chợt nhận ra chẳng còn nghe thấy cái tiếng rao lanh
lảnh "Ai bánh mì, khoai nóng đơ... ơ... đơi..."
vang lên như lúc nãy nữa. ừ, thế thì còn mở cửa làm
gì. Ông Tiến lẳng lặng lần ngược cầu thang, lên phòng
mình. Vừa đi, ông vừa nghĩ: "Mai, thế nào cũng
phải chặn hỏi cái cô này, nói cho bõ tức".***
Vốn có cái thói quen cố hữu "đã nói thì làm",
chuyện đêm trước ông Tiến không quên. Thế nên, tối
hôm sau, ông Tiến đã có ý chờ cái tiếng rao đêm lanh
lảnh, chờ cái tiếng rao "đơ... ơ... đơi..."
ấy đi qua nhà mình. Mà để cho chắc, ông mở cửa sẵn
và xách cái ghế con ra ngồi hóng mát trước hiên nhà.
Đêm dần về khuya. Đã có vài tay rao quà đêm đi qua nhà
ông. Cái cậu bán bánh bao có cái kiểu rao lạ: "Bao
đi", mà sao lại không rao là "Bánh bao đi",
nhỉ? Rồi là cô hàng xôi, ông hàng bánh giò... Ngồi trước
cửa nhà ngắm nhìn cánh bán quà đêm, ông mới chợt phát
hiện ra rằng tất cả họ đều đi bằng những chiếc
xe đạp cọc cạch, là vì ông nghe thấy tiếng xích,
tiếng moay-ơ cứ rít lên ken két. Mà tiếng rao của họ
cũng nhẹ nhàng thôi, vừa đủ nghe thôi, chứ không lanh
lảnh, không có cái tiếng "đơ... ơ... đơi..."
lạ lẫm như của cái cô bán bánh mì khoai nướng làm
mất giấc ngủ của ông đêm qua. Mà lạ, sao giờ này cô
ta chưa tới nhỉ? Có dễ phải qua nửa đêm rồi chứ.
Giờ này đêm qua, cô ta chẳng đã rao xoáy vào tai ông
rồi còn gì. Hay hôm nay cô ta đi đường khác, đi bán hàng
ở khu khác? ờ, mà hay là, cô ta làm sao nhỉ? Có chuyện
gì với cô ta chăng?... Những người bán quà đêm đã
lần lượt đi qua nhà ông Tiến. Và rồi, đêm trở nên
tĩnh lặng. Con đường trước nhà không một bóng người.
ánh sáng vàng vọt của mấy ngọn đèn đường thưa
thớt chiếu xuống con đường hun hút gió đã pha chút sương
lạnh. Ông Tiến lặng lẽ trở vào nhà, trong đầu vẫn
luẩn quẩn với những câu hỏi về cô bán quà đêm ông
chờ mà chẳng gặp.***
Đã có lần, vợ ông Tiến bảo ông là người lẩn
thẩn. Chẳng biết có phải ông lẩn thẩn thật không,
nhưng ngay buổi sáng sau cái đêm chờ cô bán bánh mì,
khoai tây có cái tiếng rao vuốt "đơ... ơ... đơi..."
mà không gặp, ông Tiến cứ thắc thỏm thế nào. Chẳng
là đêm trước chờ cô chẳng được, ông trở lên phòng
mà nằm trằn trọc mãi, có ngủ được đâu. "Liệu
có điều gì với cô ấy không ?", cái câu hỏi ấy
chả biết từ đâu cứ gieo vào đầu ông. Và rồi ông
định bụng sáng nay phải đi hỏi cho ra nhẽ. Biết đâu
lại chẳng biết thêm về một con người.
Ông Tiến đi ra phố. Là vì ông nghe người ta nói
những người bán bánh mì vẫn thường lấy bánh ở
một lò ngoài phố. Nhưng, ra đến nơi ông mới nghĩ: Có
lẽ vợ ông nói đúng, ông lẩn thẩn thật. Không đâu
lại vơ việc vào thân. Biết cô ta là ai mà hỏi cơ
chứ. Thì đi về vậy...
- Kìa bác. Bác cần gì
ạ?
- à, à ... - Ông
Tiến giật mình vì lời hỏi đường đột.
- Mời bác vào trong này
đã.
Cái tay thanh niên này
rõ là to béo, trông thì dữ tướng mà có vẻ sởi lởi.
Anh ta vồn vã:
- Bác đi thăm ai, hay
là có việc gì thì cũng vào trong này đã. Cháu là chủ
lò.
Vừa theo cậu chủ lò
bánh vào nhà, ông Tiến vừa thầm nghĩ, thôi thì cứ
hỏi chuyện qua loa, biết đâu lại...
- Này, cho tôi hỏi, lò
của anh vẫn giao bánh cho người ta đem bán đấy chứ?
- Vâng. Cũng là dựa
vào nhau cả thôi, bác ạ.
Cậu chủ lò bánh mì
pha trà mời khách. Nhấm nháp hết chén trà ngon, thấy
chủ nhà xởi lởi, ông Tiến nhớ ra việc của mình, bèn
lựa lời dò hỏi về cái cô bán bánh mì có cái tiếng
rao đêm réo rắt, với cái giọng "đơ... ơ... đơi..."
đến mất ngủ ấy. Tưởng tầm phơ vậy, cho qua chuyện
rồi về, chẳng dè trời xui đất khiến thế nào, ông
lại tìm được đúng cái người cần tìm. Cậu chủ lò
bánh mì xởi lởi:
- Lý. Chị ấy tên là
Lý. Khổ, cũng vì hoàn cảnh cả thôi, bác ạ.
Hoá ra cái cô bán quà đêm này cùng quê với cậu
chủ lò bánh mì. Cứ như lời kể, thì gia cảnh cô ấy
gieo neo lắm. Anh chồng là bộ đội phục viên. Nghe nói
thời đánh Mỹ, cậu ấy cũng vào sinh ra tử ở vùng đất
Quảng Trị anh hùng, sau trở về quê, với thương tật
đầy mình. Nhưng hình như họ có thề non hẹn biển
với nhau từ thời trai trẻ, nên khi anh trở về là nên
vợ nên chồng. Cứ ngỡ cái gian nan, nghèo khó sẽ lui
lại phía sau mà chẳng dè vẫn cứ ẩn hình phía trước.
Hai đứa con, một trai một gái lần lượt ra đời, và cũng
lần lượt bị cái chất độc màu da cam quái ác hành
hạ cho đến tận bây giờ. Chồng thì ốm đau luôn, hai
đứa con thì u ơ nằm đấy, lại còn bà cụ tuổi xế
chiều. Cái gia cảnh thế, một mình Lý xoay xoả chẳng tài
nào đỡ nổi. Đành rằng, họ hàng nội ngoại, hàng xóm
láng giềng và chính quyền các cấp vẫn quan tâm đấy,
nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể mà thôi. ở làng quê,
kiếm hạt thóc nuôi nhau đã là chật vật, huống chi lúc
ốm đau cần đến đồng tiền thuốc thang, chạy chữa.
Thế nên, một lần về quê, nhìn cảnh ấy mà thương tình,
anh chủ lò bánh mì mới rủ chị Lý lúc nông nhàn chạy
lên Hà Nội, kiếm thêm. Vốn anh cho mượn, còn thì
chịu khó đem bánh mì đi rao đêm. Nghĩ cũng tội. Bây
giờ, việc ít, người nhiều. Đạp cái xe đạp tàng vòng
vo hết ngõ này sang phố khác thâu đêm, may ra cũng chỉ
kiếm được vài nghìn. ấy là chưa kể những đêm mưa
gió. Lại còn chuyện gặp lúc không may, bị mấy thằng
nghiện hút chặn đường thì coi như mất trắng... Hôm
qua, được tin nhắn ở nhà anh chồng lại lâm bệnh sao
đó, cô Lý vội vàng thu vén về quê...Ông Tiến lặng người
ngồi nghe cậu chủ lò bánh mì kể chuyện cô Lý rao quà
đêm. Nghĩ mà cám cảnh. Sao mà có những người khổ
thế. Hoá ra ở đời vẫn có "kẻ ăn không hết, người
lần chẳng ra".
***
Bẵng đi có dễ đến nửa tháng, đêm nay bất chợt
ông Tiến mới lại nghe cái tiếng rao đêm :"Ai bánh
mì, khoai nướng đơ... ơ... đơi!". Ông Tiến vội vàng
bật dậy. Khác hẳn tâm trạng bực dọc vì cái tiếng
rao đêm lanh lảnh chói tai làm ông mất ngủ, đêm nay ông
Tiến nhanh nhẹn lần xuống cửa. Ông vội vàng mở
cửa, chỉ lo cô ấy lại đi qua mất, như cái đêm hôm
trước. Ông gọi, mà tiếng run run:
- Cô Lý.
Cô bán quà đêm
dừng xe:
- Bác mua bánh ạ?
- ừ, mà chú ấy đã
khoẻ chưa?
Cô bán quà đêm ngơ
ngác, nhìn ngó xung quanh, cứ nghĩ mình nghe nhầm.
- ừ, mà thôi, cô bán
cho tôi vài cái!
Ông Tiến vội vàng
cầm mấy chiếc bánh mì vào nhà, chẳng để cho cô bán
quà trả lại tiền thừa. Ông run rẩy khoá cửa rồi
chậm rãi đi lên phòng mình.
Từ cái đêm hôm
ấy, ông Tiến chẳng bị cái tiếng rao đêm lanh lảnh,
lạ tai làm mất ngủ, mà đêm nào ông cũng mong, cũng
chờ cái tiếng rao đã thành quen thuộc ấy lướt qua nhà
mình. Chẳng phải chỉ để ông mua vài cái bánh, thôi thì
cũng gọi là đỡ đần cô ấy một tí chút, mà còn vì
ông nghĩ, cái tiếng rao đêm cất lên, tức là ở quê chú
ấy và các cháu vẫn bình yên./.
Đình Khải
Hà Nội, tháng 10/2001