MƯA BỤI GIĂNG GIĂNG...,

Chiếc taxi gia đình bẩy chỗ ngồi màu trắng của một doanh nghiệp tư nhân từ từ đỗ lại trước khu đón tiếp khách của sân bay quốc tế Nội Bài. Ông Hoà trên xe bước xuống đầu tiên cùng với đứa cháu gái tám tuổi. Từ cửa xe sau là con trai, con gái ông cùng cô con dâu và chàng rể tương lai. Họ đi vào nhà chờ. Con trai lớn tên là Bảo đi với vợ và con gái, Vân đi sau cùng với chồng chưa cưới tên là Quảng. Khi tất cả đã ngồi vào hàng ghế trong phòng đợi, ông Hoà nhìn đồng hồ bảo: "Mới mười giờ, phải hơn một giờ nữa máy bay mới tới. Các con có thể tranh thủ ăn uống cái gì đó, tuỳ thích". Chỉ có Bảo đi với Ngọc và con gái vào phòng ăn uống. Vân và Quảng cầm tay nhau đi lướt qua các quầy bán quà lưu niệm. Ông ngồi lại một mình, nghĩ đến cuộc gặp gỡ sắp tới. Ông không thể tưởng tượng được sau mười một năm xa cách, bây giờ Bình ra sao và điều gì sẽ diễn ra sau gần hai giờ nữa khi bà từ trong sân bay đi ra và gặp những người đi đón, một gia đình trọn vẹn không như khi bà ra đi?

Ngày xưa, họ thật nghèo. Ông bà, bố mẹ ông là người Hà Nội gốc, một thời khá giả nhờ có nghề làm gương và khung kính gia truyền. Khi ông lớn lên, cửa hàng của bố ông đã sa sút vì thiếu nguyên liệu, vì ít người mua và cũng vì nhiều thứ o ép khác nữa. Thế rồi ông trở thành giáo viên một trường cấp hai. Một cô giáo cấp một tên là Bình đã trở thành vợ ông sau hai năm quen biết. Hai vợ chồng trẻ sống chật vật với đồng lương giáo viên còm cõi, không còn một nguồn thu nào khác. Cậu con trai Bảo rồi sau đó cô con gái Vân lần lượt ra đời và lớn lên trong hoàn cảnh luôn luôn túng thiếu. Cũng có đôi ba lần họ thử làm hàng gia công cho mậu dịch, nào là dán hộp diêm, cắt ba-via dép nhựa nhưng thu nhập chẳng là bao. Một dạo, cậu con trai lớn ốm lay lắt, ông phải đem bộ com-lê duy nhất bố ông cho ngày cưới vợ đến bán ở một cửa hàng đồ cũ...

Bà Bình có chị gái sống với chồng ở Cộng hoà Liên bang Đức. Sau này, người chị gửi thư về khuyên ông đưa cả các con sang, chị sẽ bảo lãnh để ở lại làm ăn cho đỡ khó khăn. Phương thức và kế hoạch ra đi đã được bàn bạc rất kỹ lưỡng. Mọi giấy tờ cho bà Bình và hai đứa nhỏ - Vân và Phương đi trước cùng mẹ đã xong xuôi, nhưng đến ngày ra đi, Vân khóc lóc xin ở lại. Thế là bà một mình đi với cô con gái nhỏ. Ông Hoà hứa hẹn sẽ đưa con trai và con gái lớn sang sau, nhưng việc đó cũng chẳng thành.

Thấm thoát vậy đã hơn mười một năm, đây là lần đầu tiên bà về thăm nhà. Khi Bảo, cậu con trai lớn cưới vợ, bà đã không thể về vì lúc đó bé Phương còn nhỏ, nó đang theo học một trường tiểu học cùng với học trò người Đức, bà vẫn phải đưa đón nó hàng ngày. Vả lại, khi đó, vì mới sang, chưa dám chi khoản tiền không nhỏ cho một chuyến đi như thế. Lần này, con gái lấy chồng, bà cân nhắc mãi rồi quyết trở về dù ở bên ấy, mười một năm qua, bà cũng chỉ là người bán hàng thuê, thu nhập không lấy gì làm dư dật.

Chuyến máy bay họ chờ đợi đã về tới sân bay. Ông Hoà cùng các con dán mắt vào dòng người từ sân bay đang đi vào phòng lấy hành lý. Ông nhận ra bà ngay khi bà từ chỗ băng chuyền hành lý đi ra cửa với chiếc xe đẩy trong tay. Họ phải lách qua đám đông để ra ngoài. Dưới mái che của hàng hiên nhà chờ, ông rưng rưng nhìn bà, thấy bà vẫn đẹp, vẫn giữ được vẻ nền nã của cô gái Hà Nội gia giáo ngày xưa tuy có già đi và nghiêm trang hơn. Bà cầm tay ông, ngước nhìn mặt ông, nói trong nước mắt: "Anh ơi, anh sống ra sao mà trông anh gầy và già đi nhiều thế này!". Cô con gái nước mắt lưng tròng, hướng theo cái nhìn của mẹ, nhận ra đúng là mấy năm nay bố già đi nhiều, khuôn mặt gầy và đen, mái tóc nhuốm nhiều sợi bạc, thậm chí hàng ria mép không xén tỉa cũng óng ánh màu bạch kim.

Cháu gái bảy tuổi có cái tên rất đẹp là Thuỳ Hương nhưng cả nhà thường gọi là Chíp, ngồi trên lòng bà nội lần đầu tiên nó gặp. Bà ôm cháu gái trong vòng tay, nhìn qua cửa xe nhận thấy con đường cao tốc hiện đại ngày chị ra đi chưa có, đồng ruộng và những công trình xây dựng hai bên đường đổi thay nhiều, náo nhiệt hơn và màu sắc hơn. Điều bà nhận ra mỗi phút lại thêm rõ rệt, ấy là sự đổi thay trên gương mặt những người trong gia đình. So với tuổi trẻ của ông và bà ngày xưa, con trai, con gái rồi con dâu và chàng rể tương lai, đều toát ra vẻ tự tin, không vướng một nét lo âu hay cằn cỗi do những năm tháng kiếm sống nhọc nhằn để lại. Ông đã bỏ nghề dạy học từ lâu để dấn thân vào thương trường nhưng nhìn ông, bà vẫn nhận ra phong thái nhà giáo với cách nói điềm đạm, cử chỉ khoan thai. Dẫu đã nghe, đã đọc không ít những thông tin về đất nước nhưng với những gì nhìn thấy trước mắt vẫn thật bất ngờ đối với bà sau hơn mười một năm ở xa.

Chiếc xe dừng lại trước căn nhà mặt phố nghèo nàn ngày nào mà hai vợ chồng đã sống một thời gian khó. Bây giờ căn nhà đã xây lên ba tầng, ở tầng một, nổi bật tấm biển quảng cáo: "Nhôm kính Hoà Bình". Từ bên trời Âu, bà đã biết ông nghỉ dạy làm kinh doanh vật liệu xây dựng. Ông đã tính khôi phục nghề gia truyền nhưng xét kỹ, đất nước đang trở thành một công trường lớn, mặt hàng nhôm kính mới xuất hiện đã được người tiêu dùng ưa chuộng, nó gần gũi với nghề gương kính, kỹ thuật cũng không phức tạp. Mấy năm đầu, ông cùng con trai lăn lưng ra chạy nguyên liệu, vừa học vừa trực tiếp gia công cho mọi đối tượng khách hàng, biến căn nhà đang ở thành cơ sở vừa sản xuất vừa bán hàng. Chỉ có một bất ngờ bà chưa được biết, ấy là tên cửa hàng. Ông cười bảo: "Mang cái tên này, cả nhà như cảm thấy có em luôn luôn ở bên cạnh mọi người".

Sau khi cùng con gái đi thăm khắp lượt từ tầng một lên tầng ba, trở về phòng khách, Vân nói với mẹ:

- Bây giờ, mẹ xem cuốn băng quay hôm lễ ăn hỏi mẹ nhé. Chúng con sợ mẹ không về được nên tính thuê quay video đầy đủ, gửi sang cho mẹ xem. Mẹ về chúng con mừng quá, chỉ tiếc hôm ăn hỏi mẹ lại chưa về kịp.

Mọi người ngồi quây quần nhìn lên màn hình. ấn tượng nhất với bà là đoàn dẫn lễ trông lịch sự, đẹp đẽ. Rồi lễ ăn hỏi diễn ra vừa trang trọng vừa vui mắt. Bà theo dõi trong suốt buổi lễ, những người đại diện nhà gái cũng như nhà trai không hề nhắc đến người vợ kế của ông. Khi nhìn cảnh bà mẹ chú rể mặc chiếc áo dài màu xanh lá cây đeo lên cổ Vân cái dây chuyền vàng rồi mẹ chồng - con dâu ôm nhau trước ống kính, bà ngây ngất thấy con gái thật hạnh phúc. Tuy vậy, trong khi xem băng, bà vẫn canh cánh nghĩ về người vợ hiện tại của ông Hoà. Không biết cô ta có hình trong cuốn băng không, không ai chỉ cho bà biết và bà cũng không hỏi. Khi đoạn băng đã hết, bà nhìn ông như thầm hiểu rằng ông đã không đặt người vợ kế của ông vào vị trí đối thoại với nhà trai...Ông và bà đã chính thức ly hôn cách đây hơn một năm, dường như đó là hậu quả khó tránh khỏi sau mười một năm cả hai chờ đợi nhau quá mệt mỏi. Bà cũng muốn về lắm, nhất là mỗi ngày lại nghe tin đất nước đổi mới, công ăn việc làm dễ dàng hơn trước, đời sống đã khá lên nhiều. Nhưng bà còn một vướng mắc khó gỡ: Những năm trước, bà cùng người chị chạy chọt mãi mới có được thủ tục cho Phương, cô con gái út, vào học ở trường sở tại, sau mấy năm học trường phổ thông, nó đã nói thạo tiếng Đức hơn tiếng Việt. Bà muốn ở lại đó nuôi con ăn học cho đến khi Phương thi vào đại học thì có thể gửi gắm cho người chị để về nước. Ông dỗi, bắn tin sang: con Phương vào được đại học, bà lại có lý do khác để ở lại thì sao? ở trong nước, ông sống cô đơn, hai đứa con lớn đều đã có những mối lo riêng, ông thường xuyên bị ám ảnh với tâm trạng của người "Có vợ hờ hững cũng như không". Trong các lá thư gửi về nước, bà thiết tha cầu mong ông hãy kiên nhẫn chờ, ở bên ấy, bà chỉ nghĩ đến ba bố con, không dan díu với bất cứ người đàn ông nào khác. Ông cũng tin thế. Nhưng thời gian trôi nhanh lắm, ông cảm thấy mỗi ngày một già đi, nỗi cô đơn gậm nhấm trái tim ông như nước chảy đá mòn. Thế rồi, mặc dầu không gian cách trở, họ cũng thoả thuận được với nhau về một cuộc chia tay mà cả hai đều không muốn. Người vợ mới của ông là một nhân viên hành chính, một goá phụ chồng chết qua một cơn bạo bệnh. Ngay sau khi cưới, ông đưa Quy về ở tại căn nhà mới xây dựng đồng thời cũng là cơ sở "Nhôm kính Hoà Bình II", chỉ cách căn nhà ông để lại cho con trai và con gái chưa đầy một cây số. Đấy là ông thực hiện yêu cầu của bà khi ly hôn, nếu lấy vợ, ông sẽ không ở tại căn nhà hai người đã sống với nhau gần ba chục năm chia ngọt sẻ bùi. Quy nghỉ việc cơ quan ở nhà trông coi cửa hàng và điều hành thợ, còn ông Hoà thường xuyên phải có mặt ở cơ sở Hoà Bình III mà ông mới mở tại một phố khác...Lễ cưới chính thức của con gái chỉ còn ba ngày nữa, kể từ buổi chiều bà về nước. Tìm hiểu công việc chuẩn bị cho ngày cưới, bà mới biết Quy đã lo cho con chồng rất chu đáo. Hầu như tất cả đã sẵn sàng.

Bà có vài lần gặp mặt, trò chuyện với Quy. Câu chuyện giữa hai người đàn bà hướng nhiều vào đám cưới. Đôi khi họ có nói đến quan hệ giữa mỗi người với ông và cuộc sống hiện tại. Nói cho cùng thì hai người không có điều gì chống nhau. Quy chỉ đến với ông sau khi ông chính thức ly hôn với bà. Quy cũng đã có một cô con gái gần hai mươi tuổi đang sống với ông bà nội. Quy khiêm nhường nói với bà:

- Em có thể thay thế chị giúp cháu những việc cụ thể, nhưng ngồi vào vị trí người mẹ trong đám cưới thì em không dám đâu. Chị về được thế này là trọn vẹn rồi.

Trước ngày làm lễ cưới chính thức, họ mời khách tại khách sạn. Thiếp mời của bố mẹ cô dâu ghi tên Hoà và Bình. Bà mặc áo dài màu hoa lý điểm vài nét hoa văn giản dị. Bà đi cùng ông và cô dâu, chú rể đến từng bàn chào khách. Bà gặp lại hầu như đủ hết những người thân, gia đình nội ngoại, bạn bè, đồng nghiệp xưa. Nhiều người bạo mồm khen ông bà Hoà - Bình vẫn đẹp và xứng đôi. Quy mặc chiếc áo vét mới, ngồi lẫn trong đám khách, chỉ tủm tỉm cười mà ít nói. Ngày Bảo, con trai lớn cưới vợ, bà vắng mặt. Đây là lần đầu tiên bà đóng vai mẹ vợ trong một đám cưới trang trọng, đàng hoàng, cứ như giữa bà và ông chưa hề có cuộc chia tay.

Sau lễ cưới, Vân, cô con gái, cùng chồng đi nghỉ tuần trăng mật ở Huế. Bình ở với vợ chồng con trai lớn. Ông Hoà đưa bà đến thăm một số nhà bà con, họ hàng và bè bạn. Họ cũng cùng nhau đến thăm gia đình thông gia. Buổi tối, họ không gặp nhau để giữ ý. Ngày đôi vợ chồng cô con gái mới cưới trở về, bà cũng đang chuẩn bị cho chuyến bay sang Đức. Bà muốn có một đêm tâm sự với ông mà không thể. Quy rất đúng mực trong cư xử nhưng không hề dễ dãi. Họ tổ chức một bữa liên hoan gia đình có con rể và Quy cùng dự. Trong bữa ăn, họ nói nhiều về đám cưới của con gái và so sánh với đám cưới của Bảo tám năm trước, chỉ không nhắc đến cuộc chia tay sẽ diễn ra ngày mai mà thôi. Trong ba người, Hoà - Bình - Quy, người này biết rõ người kia đang nghĩ gì, nhưng lại nhìn nhau như nhắc nhở: đừng nói. Bởi vậy, trước mặt họ, dường như đang hiện ra một bức màn ngăn cách mỏng mảnh, mơ hồ mà có thật, không ai dám bước qua, vượt qua.

Đêm hôm đó, trời trở gió.

Buổi sáng, gió lạnh, đường phố mưa bay. Một chiếc xe ta-xi gia đình bảy chỗ ngồi màu trắng đợi họ trước cửa. Ông đứng trên hè phố cùng với Quy, đêm qua ông đã phải hứa với Quy không đi tiễn bà Bình ở sân bay. Nhìn vẻ tần ngần, nhẫn nại của ông, bà hiểu là phải chia tay ông ngay ở đây thôi. Bà chào Quy: "Hy vọng còn gặp lại", tạm biệt ông với câu: "Anh chăm sóc bọn trẻ cho em nhé". Bà bước lên xe với đứa cháu gái. Khi bà đã ngồi yên trên ghế, chợt ông đi tới cửa xe, chui nửa người vào nói: "Bình nhớ sắp xếp cho con Phương về thăm quê càng sớm càng tốt nhé". Bà nắm lấy bàn tay ông, nói trong nước mắt: "Anh biết không, em muốn ở lại với anh nhưng không thể. Giá như chưa có Quy...". Ông thì thầm: "Anh hiểu rồi. Giá như anh đừng vội vàng, anh kiên nhẫn hơn chút nữa thôi là anh vẫn có em hôm nay...".

Ông ra khỏi xe trở lại đứng bên Quy. Vừa lúc con trai, con gái cùng dâu rể xách đồ ra xe. Xe từ từ chuyển bánh. Từ trong xe, bà quay nhìn về phía sau. Qua lớp kính dày và làn mưa bụi, bóng dáng ông đứng bên Quy xiêu xiêu, mờ ảo như có như không. Và rồi suốt từ Hà Nội lên sân bay, hình ảnh cuối cùng đọng lại trong lòng bà là đường phố tấp nập trong lớp mưa bụi giăng giăng, là dáng đứng xiêu xiêu của người đàn ông cao gầy, người chồng một thời đã cùng bà chia sẻ biết bao nhiêu gian khó, đến ngày cuộc sống đủ đầy thì số phận lại chia rẽ họ mỗi người một phương trời...

Nguyễn Kim Trạch

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC