Điện thoại di động thì cứ gào lên suốt ngày như
bị chọc tiết, chẳng màng lúc đó mới rửa mặt buổi
sáng hay đang dang dở bữa trưa. Lời ngọt ngào, ơi à thì
nhiều, lời từ ruột gan thì hiếm hoi lắm lắm. Đại
ý mở đầu là: "Lâu lắm rồi không gặp, em vẫn
xinh tươi như thế chứ?". Và kết thúc bằng cợt
nhả: "Có nhớ anh không?". Với người ưa sự hài
hước "có tính định hướng" như cô, những cú
điện thoại ất ơ từ trên trời rơi xuống khiến người
phát rồ phát dại. Vậy mà tối tối phóng xe từ toà
soạn về nhà, nghe gió thổi khăn quàng bay phần phật, cô
nghẹn đắng họng. Con bạn mảnh mai như Kate Moss, cũng là
phóng viên viết mảng hôn nhân gia đình, choe choé: "Ôi
đến thằng bồ tao còn đểu, mày đâm đầu vào tình yêu
làm gì?". Nhưng khi nghe những tiếng thở dài vuột
ra chẳng thèm kiềm nén, mắt cũng ươn ướt như vừa
mới hoàn thành xong một cú ngáp sái quai hàm. Anh tổng
biên tập bảo: "Giữ mồm giữ miệng nhé, người như
em hay bị săm soi lắm đấy! Gắng chấp nhận đi!".
Cô thì lại chẳng nghĩ đến hai từ: "chấp
nhận". Hàng ngày cứ nhóng cổ lên đi làm, cứ phăng
phăng bất cứ việc gì, nhưng chỉ cần bất ngờ quay
lại phía sau đã thấy cái liếc mắt sắc như dao và
những cái bĩu môi daì hàng cây số. Mới chớm ngồi lên
yên xe của anh nào đó, ngày hôm sau đã nghe thấy lời xì
xào: "Gớm, người gì mà lẳng đến thế là cùng!".
Chẳng ai để ý bữa nào cũng tối trật tối trìa cô
mới rời máy tính ra về, đôi mắt sụp xuống, đề máy
xe lại thường hay dở chứng, muốn trêu ngươi cái sự
một mình.
Mẹ thủ thỉ rót vào tai điệp khúc: "Con ơi,
lấy chồng được rồi đấy, bằng tuổi mày bây giờ,
mẹ đã có anh Hạnh và chị Liễu rồi. Còn mày thì
nhung nha nhung nhăng, đến lúc không còn thằng nào nhòm vào
thì trắng mắt ra". Cô cũng tự thấy như vậy mà không
sao cưỡng lại được những đam mê rất trời ơi đất
hỡi. Những buổi họp báo dài không có điểm dừng,
những "party" sang trọng nhưng nhạt như nước
ốc. Đã chán ngấy sự bặt thiệp giả tạo, những nụ
cười xã giao rách mép, kể cả cái cách rút danh thiếp
ra và đầu cúi gập xuống như bổ củi. Mỗi lần
"diễn xuất" xong, chẳng hiểu sao bụng cô đau
quặn lại. Sáng thứ hai đầu tuần, anh thư ký toà
soạn vừa gặp đã mắng té tát: "Bài viết như
thế ai mà ngửi được", rồi quăng lại bản thảo
không thương tiếc. Cô cay đắng dán mắt vào những
lỗi biên tập và trong khoảnh khắc nhận ra sự thông
minh không phải lúc nào cũng là thế mạnh. Thi thoảng,
một cô bạn từ thời sinh viên vốn chẳng ưa gì nhau
lại gọi điện, giả lả chẳng khác như ban ơn: "Mày
dạo này thế nào, tao tưởng mày không biết làm báo cơ
đấy! Nghe nói điều hành công ty mỹ phẩm cho ông chú cơ
mà! ừ mà mày cũng lăn lộn gớm nhỉ!". Những
chấm than ở cuối câu cứ lên vóng vót khiến cô liên tưởng
ngay đến tiếng rao bánh mì ở con hẻm nhà mình. Cô sợ
những lời "hỏi thăm" kiểu móc họng ấy. Và
đến giờ thì thường bấm "NO" khi nhòm thấy
số không được lưu trong bộ nhớ của máy điện
thoại. Nhưng, như một thói quen, mà cũng có thể như
một điều cần thiết đã chuyển sang giai đoạn
"ghiền" không sao cưỡng nổi, đôi khi, chỉ là
đôi khi thôi, điện thoại bỗng nhiên im lặng như cục
sắt nặng chịch, cô lại thấy hình như mình đang bị
bỏ rơi, hình như con chữ trên bài viết như cùng nhau
chạy trốn không sao tìm bắt được. Thế là lại bấm
số máy của ai đó, dĩ nhiên là bắt đầu trong bộ
nhớ bằng từ "Anh...", để nghe lùng bùng vài
lời tán đã thuộc lòng như bảng cửu chương lớp
một.
Anh gặp cô trong một chiều hè nóng bức tại quán ăn
bên bờ sông đúng ngày 1 tháng 6. Cô đùa: "Tặng quà
đi chú, cháu vẫn chưa hết tuổi ngây thơ đâu đấy!".
Anh cười: "Có khó gì. Nhưng mà nên kết thúc tuổi
thơ vào ngày hôm nay thôi". Bữa ăn sang trọng quá
sức tưởng tượng của đồng lương phóng viên hàng tháng
cô nhận được. Vậy mà bụng lại bảo dạ: Có cần
thiết "đánh bóng" đến thế không? Tuy vậy, lúc
gặp con bạn thân dáng đẹp như người mẫu, cô vẫn
khoe khoang không kiềm chế: "Này, đây có một mối
rồi đấy. Cao ráo, đẹp trai, có học, tinh tế. Như
vậy đã ổn chưa?". Ngay lập tức, nó dài giọng:
"Cẩn thận, đường quang không đi lại đâm quàng vào
bụi rậm thì khốn". Quả thực, cô vẫn chưa hình
dung thế nào là đường quang, thế nào là bụi rậm,
chỉ biết những cuộc hẹn hò cứ cuốn đi, hệt như
những dây tơ hồng đan chằng chéo nhau trên bờ giậu trước
nhà. Những bữa ăn tối cô thường điện thoại về nhà
xin phép vắng mặt. Mẹ linh cảm rất hay, cuối tuần cười
cười bảo: "Con gái mẹ sắp thông báo tin mừng chưa?".
Còn ba thì trầm hơn: "Tình yêu thường đi liền
với dối trá, thi thoảng con phải tự kiểm tra lại xem
thế nào. Thà rằng một mình thanh thản có khi còn hay hơn
hai mình mà dằn vặt". Mẹ gắt lên: "Ơ hay, ông
định giữ nó ở nhà chết già hay sao? Có hạnh phúc nào
mà không phải đau khổ. Như tôi đây này, đã từng khóc
cạn nước mắt vì ông chứ sung sướng gì đâu".
Rồi bỏ đi rất nhanh chẳng kịp cho người nghe có thái
độ phản ứng ra sao. Trong giây lát, cô bỗng nhận ra
một điều gì đó lớn hơn những lời ngọt ngào đi cùng
quà tặng, những cái liếc mắt rất tình tứ cùng sự
chiều chuộng không thấy bờ đâu, bến đâu. Suy đến
tận cùng, cô bỗng thèm một cú sốc nào đấy, một
vết xe đổ nào đấy để cô ngã thật đau, rồi lặng
im xem đối phương có chìa tay nâng cô đứng dậy không,
hay lại nói vài lời khách khí cám ơn và xin lỗi, rằng
anh muốn lắm nhưng tại hoàn cảnh đưa đẩy, rằng anh
rất tiếc không còn cách lựa chọn nào khác.
Cô gọi điện thoại thông báo: "Ngày mai em đi công
tác ở Huế!". Giọng anh lắng lại: "Nếu không
đi có được không? Hay là chờ anh tháng sau cùng đi luôn
thể!". Cô lắc đầu thay cho câu trả lời, dù biết
rằng anh chẳng nhìn thấy mình: "Không được! Em đã
đăng ký đề tài với ban biên tập rồi!". Tiếng
thở dài ở đầu dây bên kia nhẹ nhưng rõ đến mức
tim cô thắt lại. Mới tuần trước là chuyến đi biên
giới kéo dài 15 ngày. Chưa kịp để anh "hoàn
hồn", cô đã lại đưa ra "bản án" mới.
Nhiều lúc, anh cười cười: "Anh chuẩn bị biến thành
Hòn Vọng... người yêu đấy!". Mẹ thì cảnh báo:
"Này, con cứ biền biệt như thế thì làm sao giữ
nổi. Đàn ông bệnh sĩ chết trước bệnh tim. Nó mà
nghe lời ngọt ngào ở đâu đó thì...". Cô quay vội
mặt đi, giấu sau tóc vệt hằn đau từ mắt. Cô đã dành
cho anh được những gì. Đôi lời thăm hỏi hơi vượt
ngưỡng lịch sự; những lần gặp gỡ ở cơ quan không
ngoài việc "cho em xin mấy tấm hình minh hoạ".
Điện thoại cầm tay thì không chịu chờ để cô háo
hức kể hết cho anh nghe chuyện về con chó tên Lavie
mới nuôi nghịch ngợm như quỷ sứ. Anh im lặng nghe cô
cười duyên với anh nào đó bên tổng cục thuế - nơi cô
mới làm việc hồi chiều để xin số liệu cho bài phóng
sự tuần này - rồi vẻ mặt buồn không giấu đi đâu
được đành ngồi vẽ những vòng tròn vô nghĩa trên
mặt bàn lênh láng nước tràn ra từ ly cà phê đã lạt
nhách. "Hay là thứ bảy này mình đi câu cá nhé!"
- anh rụt rè đề nghị. Cô giở cuốn sổ kế hoạch công
tác cá nhân ra, rà soát một hồi rồi thở dài: "Em
có hẹn với ông cộng tác viên chuyên viết giáo dục
giới tính lúc 16 giờ mất rồi". Ngồi co ro như con
mèo biết lỗi, cô chẳng nói gì thêm được với anh, bèn
buông một câu hết sức vô duyên: "Em mệt quá,
suốt cả chiều dán mắt vào máy tính viết bài. Mình
về đi anh!".
Điện thoại đã thôi gào lên, đơn giản vì cô ít
mở máy hơn trước. Con bạn thân nhắng nhít lần nào
gặp cũng mắng xơi xơi: "Con xin mẹ. Muốn liên lạc
với mẹ mà khó như liên lạc với nhân vật VIP!".
Chỉ có nước cười trống lảng: "Thì cứ đi với
giai đi, cần gì nhân vật VIP này!" nhưng ruột gan cũng
đã hơi hơi xót. Những tối thứ bảy rỗi rãi, cô lẩn
thẩn đi tới đi lui tỉa tót mấy cây cảnh hồn nhiên
trong vườn, vắt sang phải rồi sang trái vài cọng tơ
hồng mơn mởn tầm gửi trên bờ giậu. Anh không còn
gọi điện và hẹn gặp nữa. Cô treo lại những bó hoa
khô queo anh tặng những ngày còn "hành hạ nhau"
như lời anh nói vào góc bàn làm việc. ừ, hai mươi lăm
tuổi, nghề nghiệp phóng viên, ngoại hình xinh đẹp, dường
như chừng đó chưa đủ để níu kéo một tình yêu quay
trở lại. Bất giác, cô bấm số máy điện thoại của
anh trưởng phòng: "Anh ạ, hai ngày nữa em xin phép đi
Trường Sơn. Em làm giấy đi đường nhé!"./.
Đinh Thu Hiền