- Anh lại viết
rồi ư?
Anh dừng tay, đứng
dậy đi về phía giường, kéo tấm chăn
đắp lên người
chị:
- Em không ngủ nướng
thêm chút nữa à?
- Thôi khỏi, anh à.
Hôm nay em thấy dễ chịu hơn.
- Nhưng em còn phải
vô thuốc hai đợt nữa kia mà. Cố gắng
giữ sức mà
"chiến đấu"!.
Chị cười,
gượng chống tay ngồi dậy, dựa hẳn
vào người anh. Anh vòng
tay ôm chị vào
lòng. Ôi, cũng vòng tay ấy. Thuở mới yêu
nhau trong
cứ, người
chị tròn lẳn, đầy đặn, anh phải
dang hai tay mới ôm trọn. Thế
mà bây giờ, sau cuộc
đại phẫu cắt bỏ các hạch bạch
huyết trong căn
bệnh ung thư quái
ác, người chị xọp lại còn một nắm.
Thần chết đã
cướp đi vẻ
đẹp, vẻ sung mãn của người đàn
bà tuổi 40, để lại cho anh
một tấm thân
còm cõi, khô gầy.
Chị đưa tay
vuốt tóc. Những sợi tóc xanh rơi lả tả
xuống tay anh, xuống
áo anh, xuống nền
nhà, chẳng khác nào lá vàng mùa thu bị một trận
gió
lay. Từ một tuần
nay, sau khi vô thuốc điều trị tiếp,
người chị xanh xao,
tóc cứ rụng dần.
Anh gom những sợi tóc ấy cất vào một
góc nhỏ để lên
bàn viết của
mình. Sáng nay cũng vậy, anh gom những sợi tóc
để vào
lòng tay mình xót xa
nhìn lên mái đầu chỉ lưa thưa vài sợi
tóc của vợ.
Trong cơn hoạn nạn
của bệnh tật, ở đâu trên con người
chị cũng bị thần
chết tấn công.
Những sợi tóc của chị gầy đi, mảnh
đi, nhiều sợi gãy và
nhiều sợi bị
chẻ làm hai, hễ chị đụng tay vào là rụng
xuống.
Đến cuối
tuần, tóc trên đầu chị hình như không
rụng nữa. Những sợi
còn lại ngả
màu vàng úa, khô khốc, trông như những mũi
chông lưa
thưa ai cắm lên
đồi trọc. Chị nhìn vào trong gương
rồi nhắm mắt, quay
đi. Chị biết
anh buồn. Rất buồn. Thuở xưa, anh yêu chị
có lẽ cũng vì
mái tóc và hàm răng.
Răng chị trắng đều, trời phú thêm
cho một chiếc
răng khểnh, mỗi
khi chị cười, chiếc răng ấy như
một bông hoa ngọc
loan trắng ngần
giấu dưới đôi môi khi nào cũng hồng.
Mái tóc của chị
thì khỏi nói. Nó vừa
dày, vừa đen, khi đi gùi gạo hay đi giao
liên chị
thường tết
lại thành hai bím dày đung đưa trên đôi
vai tròn lẳn. Khi ở
cứ, chị gội
bằng lá tràm, để xoã tóc trên vai. Lần
ấy, anh là nhà báo trên
chiến khu đi về
hậu cứ. Trong khi chờ khách cho đủ chuyến,
anh nghỉ
lại trạm giao
liên của chị. Đêm ấy trăng hạ tuần
mọc sớm. Anh vừa đến
buổi sáng, buổi
tối đã được ngắm chị tóc xoã
ngang vai thơm thơm
hương tràm. Chị
lẫn vào ánh vàng của trăng, mái tóc như dòng
suối màu
đen chảy tràn
trên vai. Chị đi ra suối lấy nước vừa
đi vừa hát bài Xuân
chiến khu. Chị
hát không hay nhưng bù vào là một vẻ hồn
nhiên, tươi
tắn. Sau này, anh
thú thực với chị, anh đã yêu chị từ
cái buổi tối định
mệnh ấy. Đêm
anh không ngủ, nhìn ánh trăng treo lẫn vào ánh
hoả
châu phía xa xa. Bài thơ
đầu tiên anh làm tặng chị, chị đã
thuộc lòng từ
bấy đến giờ.
... Dù tháng năm trôi
theo dòng đời đơn chiếc
Thời gian rụng
trên đầu những sợi tóc xanh
Đáy mắt lụi
dần những ánh long lanh
Thì tình anh vẫn
là cơn gió thổi
Đi tìm em vuốt
mái tóc ngang vai...
Bài thơ ấy khi
chị chưa lâm bệnh, mỗi lần đọc
lại chị vẫn thấy hay
nhưng có điều
gì vô lý ẩn chứa bên trong. Chị mới 45,
tóc vẫn xanh và
dày. Đùng một
cái, khi đi khám sức khoẻ định kỳ,
người ta nghi ngờ
một khối u nhỏ
trên cơ thể chị. Chị khám chuyên khoa, các
bác sĩ cho
biết, chị bị
ung thư đã di căn và cần phải mổ
ngay. Chị đã trải qua một
cuộc đại
phẫu rồi lại phải điều trị tiếp
bằng hoá chất trong 3 đợt. Mới
xong đợt thứ
nhất, sức khoẻ chị giảm đi rất
nhiều. Các thầy thuốc
chuyên khoa rất hy vọng
chị sẽ vượt qua cửa tử. Duy chỉ
có mái tóc của
chị bị hoá chất
làm rụng gần hết. Ngày xưa đọc bài
thơ của anh, chị
cười và cho rằng
anh hơi lẩn thẩn. Làm gì có chuyện những
sợi tóc
xanh rụng xuống?.
Bây giờ, những sợi tóc xanh đã rụng gần
hết, chỉ
còn lại vài sợi
bệnh hoạn lơ thơ. Và chị không nghi ngờ
gì về điều có
lúc chị cho là vô
lý trong bài thơ anh tặng chị.
Nghe tiếng chuông,
chị biết anh về. Chị bước ra mở
cửa. Chị vẫn có thói quen từ lúc mới
yêu anh, hễ gặp anh mà không có ai là chị sà
vào người anh. Chiều nay cũng vậy.
Nhưng từ lúc chị bị bệnh, anh thay chị
làm việc ấy. Anh ôm chị vào lòng, hôn lên
đôi môi nhợt nhạt, tím tái của chị.
Hôn lên đôi mắt ươn ướt, hôn lên
mái đầu lơ thơ vài sợi tóc. Nhiều
hôm có cậu con trai ở nhà, anh vẫn ôm chị
vào lòng. Thằng con phải thốt lên: "Ba má
làm như xi nê!" Chị lấy chiếc lọ
hoa cắm mấy bông hồng anh vừa mua. Anh ngồi
xuống ghế nhìn chị vui vẻ làm việc
đó.
Mãi mà không thấy
anh đứng dậy thay đồ, chị tần
ngần nhìn anh. Hình
như anh có điều
gì muốn nói. Chị đoán, anh vừa ở nhà
người bác sĩ
quen về, có tin tức
gì không hay? Chị sẽ sàng ngồi xuống cạnh
anh,
cầm tay anh trong
bàn tay khẳng khiu của mình, ướm hỏi:
- Hình như anh có
chuyện gì?
Anh choàng tỉnh, trả
lời vu vơ:
- Có chuyện gì
đâu?
- Anh giấu sao nổi
em? Nói em coi, có chuyện gì?
Anh bị điểm
đúng huyệt, đành phải nói ra dự định
của mình:
- Em nè, bác sĩ nói
em rồi sẽ khỏi. Em không được mặc
cảm với bệnh
tật. Em phải
được xã hội hoá, nghĩa là em sẽ phải
ra phố với anh, đến
nhà bạn bè với
anh, em phải đến toà soạn của em (Chị
là tổng biên tập
của một tờ
báo). Anh không muốn em trùm khăn chui vào taxi từ
nhà
đến bệnh
viện. Cho nên anh muốn...
Chị phần nào
đoán ra được những ý muốn của
anh. Nhưng là ý muốn
cụ thể nào
thì chị không biết, đành phải hỏi anh:
- Anh cứ nói
đi, em sẽ chiều anh.
Anh nhìn lên đầu
chị hồi lâu, đôi mắt như bị một
màn sương khói phủ
mờ, nghẹn lời:
- Anh muốn cạo
nốt những sợi tóc lởm chởm trên đầu
em. Trông nó
bệnh hoạn làm
sao ấy. Thà đầu em trọc còn dễ coi hơn.
Chị im lặng, khẽ
đưa tay lên đầu. Anh nói đúng. Những
sợi tóc còn lại
quá ít, có thể
đếm đầu ngón tay, là kỷ niệm cuối
cùng mái tóc đen dày
thuở nào của
chị. Nhưng bây giờ, những sợi tóc
ấy rất khác, xa lạ với
những sợi tóc
ướp hương bưởi, hương tràm
năm xưa. Nó là nơi trú ngụ
sau cùng của con bệnh
khi bị thầy thuốc tấn công và cũng sẽ
chết đi
như hàng nghìn sợi
tóc xanh đã từng bị chết.
Chị nhìn anh, những
giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn
nheo. Những
giọt nước
mắt nóng bỏng chảy ra từ sự đau
đớn khôn cùng. Khi biết
mình bị bệnh,
chị đã chuẩn bị cho mình một khả
năng xấu nhất. Chị
giấu kín đớn
đau trong lòng và cố không để anh biết
những suy nghĩ
của mình. Trước
anh, khi nào chị cũng cười, cả những
khi vừa mổ
xong, phút tỉnh thuốc
mê chị lờ lờ nhìn thấy bóng anh ngồi
cạnh. Nụ
cười yếu
ớt nở trên đôi môi nhợt nhạt tưởng
chừng đã bị thần chết cướp
mất thật sự
làm anh yên lòng. Ai cũng ngạc nhiên trước vẻ
bình thản
của chị trước
bệnh tật. Lẽ ra, chị phải là người
được an ủi nhiều nhất.
Đằng này, chị
lại an ủi anh, an ủi con, an ủi gia đình
và bạn bè. Nhưng
đứng trước
giây phút này, giây phút chị bằng lòng để
anh cắt nốt những
sợi tóc trên đầu,
chị oà khóc. Chị biết anh yêu mình ghê gớm,
không có
người đàn
bà nào trên cõi đời này có thể thay thế
được chị. Và chị thấy
thương anh vô
cùng...
Anh và chị ngồi
trước tấm gương lớn ngay trong phòng
khách. Trên
tường, ngay cạnh
tấm gương là bức ảnh đen trắng
của chị được một nhà
nhiếp ảnh có
tên tuổi chụp ở trạm giao liên của chị.
Chị quấn khăn rằn,
vai khoác khẩu AK
báng gập, tóc xoã ngang vai. Một tay chị giữ
quai
súng, tay còn lại
nâng một đoá lan rừng. Bức ảnh đã
đoạt giải tại một
cuộc thi ảnh quốc
tế và được in trên nhiều tạp chí
trong và ngoài nước.
Chị ngắm rất
lâu bức ảnh, cắn môi để những giọt
nước mắt khỏi trào ra.
Lúc này, chị cốt
giữ bình tĩnh cho anh, để anh dồn can
đảm loại bỏ
những sợi tóc
bệnh hoạn trên đầu mình.
Khi chị trở
nên hết sức bình tĩnh, mỉm cười nhìn
anh như ra hiệu cho
anh bắt đầu
công việc thì chính là lúc anh bối rối. Chiếc
kéo trong tay
anh run run, anh phải
để sang bên cạnh. Tim anh đập gấp,
trán vã mồ
hôi, đầu mọng
nhức. Không gian trước mắt anh quay cuồng
và một màu
đen chao đảo
cứ như muốn bịt lấy mắt anh. Phải
rồi, ngày xưa tóc chị
đen huyền, anh
đã nhuộm vào mắt mình màu đen quyến
rũ ấy. Trong
mắt anh không hề
có những sợi tóc vàng úa bệnh hoạn và vì
thế, anh
vẫn tin tóc chị
vẫn đen dày, anh không đủ can đảm làm
một việc mà
anh cho là khủng khiếp
nhất: cắt những sợi tóc xanh khỏi
đầu chị. Anh
ôm chị vào lòng
và bật khóc. Tiếng khóc của người
đàn ông nghe nặng
và đau, như tiếng
sét đánh giữa buổi trời quang mây tạnh.
Từ lúc chị
lâm bệnh đến
nay, đây là lần đầu tiên anh khóc. Những
giọt nước mắt
không có gì cầm nổi,
cứ hối hả tuôn trào, ướt cả vạt
áo của chị. Chị thở
dài. Chị biết,
lúc này chị không thể khóc mặc dù nước
mắt cứ chực tràn
bờ mi. Chị cầm
chiếc kéo, soi vào gương, cắt những sợi
tóc đầu tiên bỏ
vào lòng tay anh...
Trên bàn viết của
anh, những sợi tóc xanh của chị (có thêm mấy
sợi
màu vàng úa vừa cắt)
được anh chải lại, xếp thành một
lọn tóc đen
nhánh. Tất cả
những sợi tóc trên đầu chị giờ nằm
trọn vẹn trên bàn viết
của anh. Anh đã
nhặt nhạnh trong mỗi lần tóc chị rụng,
dù trên giường,
trên nền nhà hay bất
cứ nơi nào, cố không để thất thoát
một sợi. Với
anh, mái tóc chị
là tất cả, là kỷ niệm, là tình yêu, là
những gì thân thiết
gắn liền cuộc
đời anh với chị. Trong anh, mái tóc chị
vẫn vẹn nguyên.
Có chăng chỉ là
một sự chuyển chỗ, từ trên đầu
chị sang bàn viết của
anh.
Anh đưa tấm
ảnh chị chụp năm nào ra hiệu mỹ phẩm.
Các cô gái bán
hàng trầm trồ
ngắm mái tóc của chị. Anh nói ý định
của mình:
- Tôi muốn mua một
đầu tóc dài và đen như mái tóc của vợ
tôi trong
ảnh.
Một cô hỏi
anh:
- Tóc chị đẹp
thế, anh mua làm gì nữa. ở đây chúng em
không có lọn
tóc nào đẹp
như vậy. Muốn có phải đặt tận
bên Pháp, tuần sau mới có
hàng về.
- Vâng, tôi đồng
ý. Mái tóc của nhà tôi không còn nữa. Nó đã
bị thần
chết nhổ khỏi
đầu cô ấy. Cô vui lòng đặt cho tôi một
bộ tóc dài và dày
như trong ảnh.
Các cô gái bán hàng mỹ
phẩm nhìn nhau rồi nhìn anh thông cảm. Họ
dùng thước
đo chiều dài mái tóc của chị và hứa với
anh tuần sau sẽ có.
Chị đã vào
xong ba đợt hoá chất. Và bây giờ, cứ
sáng sáng người ta
thấy anh chở chị
đến toà soạn. Không ai nhận ra chị
đã từng phải trải
qua một cuộc
đại phẫu và mấy tháng điều trị
bằng hoá chất. Không ai
biết thần chết
đã cướp đi của chị những sợi
tóc xanh. Chị ngồi cười, tóc
xoã ngang vai. Như không
hề có sự đớn đau, mất mát nào./.
Phan Cao
Toại