MỐI TÌNH BUỒN NHẤT THẾ GIAN

Khi nàng đặt bàn tay nhỏ nhắn với những ngón thon dài mát rượi vào tay tôi, tôi không sao tránh khỏi run rẩy. Đó không phải là cú va chạm đầu tiên, nhưng, nụ cười mới huyền hoặc hút hồn làm sao!


Tóc mây

Tôi nhìn thật nhanh người đàn bà xa lạ mà rất đỗi thân yêu ấy. Nàng đẹp hơn tôi tưởng. Mà nữa, khuôn ngực vẫn đầy đặn phập phồng như là trinh nữ. Quả là một sự ưu ái quá đáng của trời đất.

Chúng tôi chơi với nhau rất thân tình. Có lẽ không một thời nào, ở phố nào lại có đám bạn bè chơi với nhau khít khăng, quyến luyến đến thế.

Tôi thấy cần phải kể tên tất cả.

Đó là:

Trường Văn Đức, Giám đốc Công ty Đá xẻ xuất khẩu. Đá của y đã trang điểm cho rất nhiều công trình xây dựng hiện đại. Phạm Quang Tuấn, lính thuỷ. Xương thịt Tuấn gửi lại đâu đó dưới đáy biển Đông, cùng với con tàu chở vũ khí tự đánh chìm để khỏi sa vào tay địch. Nguyễn Hùng Phi, hai huân chương chiến công sau 15 năm ở chiến trường B. Một lão bán vé số mặt tái xanh vì sốt rét, ngồi lù lù ở cổng chợ. Nguyễn Đăng Khôi, Tiến sĩ Y khoa. Những quả thận phế thải, qua bàn tay mông má của gã lại trở nên cường tráng. Lê Văn Nhuận, nhà giáo trường chuyên toán. Học trò của y đã vài lần xơi giải quốc gia. Và tôi, một nhà văn. Nếu nói rằng nhà văn nổi tiếng bạn đọc sẽ sửng sốt, còn nói không nổi tiếng tôi sẽ tự ái.

Chúng tôi, 6 thằng con trai.

Còn một người nữa, nếu không thì không có cái chuyện tôi đang kể đây: Thuỳ Hương, một phu nhân Bộ trưởng. Nàng thuộc loại kiều diễm, tôn quý nhất trong giới mệnh phụ phu nhân tôn quý.

Tôi phát hiện ra nàng khi cô giáo hỏi:

- Thuỳ Hương, em làm quản ca được chứ?

Nhỏ nhắn, duyên dáng, đầy tự tin, nàng bước lên bục bảng. Nàng giang hai bàn tay ra hai bên, đôi bàn tay nhẹ nhàng vẫy vẫy, như cánh cò êm vẫy giữa không trung. Đó là động tác mở đầu sự nghiệp quản ca suốt hai học kỳ.

Tôi đờ đẫn cả người vì dáng dấp quý phái toát ra từ con người nàng. Nàng mặc chiếc áo len màu xanh lá cây. Chiếc áo len ngắn tay làm nở xoè trên vai nàng chiếc cổ sơ mi trắng đỡ lấy khuôn mặt trái xoan có nụ cười răng sún... ấn tượng về nàng là một giấc mơ. Nàng đẹp và kiêu sa đến nỗi chỉ được quen biết nàng thôi cũng là niềm hãnh diện với bất cứ ai. Có một nhà ngoại giao mũi lõ nào đó được làm quen với nàng trong một buổi dạ tiệc đã trở về khoe inh ỏi khắp châu Âu.Còn tôi, không chỉ quen nàng mà còn thân thiết nữa! Có thể nói gì về sự thân thiết gần gũi của chúng tôi? Nàng thường xuyên nấu nướng cho tôi ăn. Cơm, phở, bánh dẻo, bánh khúc và các món khác tôi muốn. Tối nào tôi cũng được ngắm đôi vai gầy nhỏ của nàng, cười nói với nàng, giúp nàng đôi ba việc vặt và nói xin trời tha tội, được ngây ngất bởi một mùi hương dịu dàng toả ra từ người nàng.

Phải, chúng tôi, 6 thằng và nàng tối nào cũng tập trung dưới gốc cây cột đèn đầu phố. Đó là cây cột đèn bằng gỗ, tẩm hoá chất đen sì, do những người thợ Trung Quốc dựng lên. Họ trèo lên đỉnh cột bằng sợi dây dài thắt ngang bụng và hai chân buộc hai chiếc càng cua bằng sắt. ánh đèn vàng quạch. Dưới ánh sáng của nó là một bãi cỏ xanh đầy cào cào, dế mèn, dế trũi, đôi khi có cả những con cánh cam xanh biếc. Tối nào chúng tôi cũng tụ tập ở đó, đổ nước bắt dế, chi chi chành chành, bịt mắt bắt dê và đóng vai những người lữ khách đến quán của nàng. Đó là một bà chủ quán tuyệt vời. Nàng đon đả mời khách, và dẫu rằng khách chỉ trả cho nàng một cọng cỏ thay tiền, nàng cũng xới cho một bát cơm rõ đầy, chan canh tử tế... Không thể so sánh những bữa tiệc linh đình ở đâu với những món ăn bằng đất đựng trong vỏ ngao, vỏ hến đó.Đời cứ như thiên đường bất tận.

Nhưng một hôm đi qua cửa nhà Tuấn, tôi nghe tiếng mẹ hắn gào thét: "Thằng khốn nạn, thằng mất dạy!... Mới nứt mắt ra mà đã... Bà thì bà băm vằm mi ra, xé xác mi ra!...". Cùng với tiếng chửi mắng của bà là tiếng ngọn roi mây xé gió vun vút.

Không nghe thấy tiếng thằng Tuấn. Nó là thằng gan lì liều lĩnh có hạng. Ngọn roi mây thấm gì!

Chỉ một loáng bọn tôi đã bâu trước cửa nhà Tuấn như một bầy ruồi. Cánh cửa đột ngột mở, bà mẹ Tuấn vọt ra, tay huơ cây roi như vị tướng tuồng: "Lũ khốn nạn mất dạy tê! Cút đi, cút hết đi! Chúng bay nhìn cái chi, nhìn cái chi hử... Một lũ mới nứt mắt...".

Chúng tôi chưa kịp tẩu tán thì thằng Tuấn đã vọt ra. Bà mẹ đuổi theo đến cây cột điện rồi bất lực quay về.

Bên nhà Hương cửa đóng im ỉm. Chúng tôi nghe tiếng nàng thút thít khóc. Không khí đầy tang tóc.

Mãi sau, do thằng em nàng khai báo chúng tôi mới biết chính là thằng Tuấn đã gây ra chuyện tày trời. Hắn đã viết thư cho nàng. Theo lời thằng nhóc, một lá thư tình! Nhưng tỏ tình là cái gì, chúng tôi không biết, chỉ biết đó là cái gì mờ ám xấu xa!

Tôi hỏi:

- Ngày ấy thằng Tuấn viết cho Hương cái gì?

Nàng nhíu đôi lông mày mệnh phụ kiêu sa:

- Tuấn nào nhỉ?

Tôi gợi lại chuyện trên. Nàng cười:

- A... Mình nhớ ra rồi! Có phải cái cậu anh hùng quân đội mà người ta hay nhắc đến như niềm tự hào của trường không?

- Hắn viết gì?

- Sao cậu tò mò thế nhỉ! A... Cậu là nhà văn, muốn viết sách về người anh hùng cho tuổi trẻ học tập hả?

- Không, không! Đó là công việc của những người chuyên phổ biến gương sáng. Còn mình, mình chỉ muốn biết hắn liều lĩnh như thế nào?

- Đúng là bạt mạng! - Nàng thở dài nói với vẻ buồn thương pha chút giễu cợt vui vẻ - Ngày ấy sao mà ngu dại đến thế chứ! Chữ hắn sai chính tả be bét mình không luận được mới nhờ bà ngoại đọc hộ... Nghe nói cu cậu bị một trận đòn nên thân...

- Những người dũng cảm nhất bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi.

- Cậu nói thế nghĩa là thế nào?

- Hương biết không, ngày ấy mình cũng muốn tỏ tình, cũng định chết trong chiến tranh. Nhưng không đủ can đảm... Vì thế mới không bị đòn và còn sống đến nay để... gặp em!

- Em út gì, năm mấy tuổi đầu rồi đấy! - Nàng nhăn mặt và dậm chân đe doạ tôi như một cô học trò đỏng đảnh. Nhưng có trời chứng giám, tôi không sợ sự đe doạ ấy, vì chợt phát hiện ra rằng cái nhăn mặt của Tây Thi không phải là chuyện bịa tạc.

- Nhưng hắn viết gì, bà Bộ trưởng nói xem nào. Nửa thế kỷ đã trôi qua rồi, điều bí mật ấy chẳng nguy hiểm cho ai!

Nàng hơi đỏ mặt khiến tôi phỏng đoán có thể ông Bộ trưởng rất hay để mắt nhưng không thể nào hiểu hết các cuộc du ngoạn phiêu lưu của nàng.

- Chẳng có gì là bí mật cả. Chuyện trẻ con một trăm phần trăm. Hắn viết vẻn vẹn có hai dòng: "Kính gửi bạn Hương. Tình "hữu nghị của chúng ta đời đời bền vững" thế thôi.

Tôi còn nhớ ra rằng, sau cái vụ "xì căng đan" vun vút roi mây kia, chúng tôi, 6 thằng con trai lại tụ tập dưới gốc cây cột điện, chúng tôi chơi như vẫn thường chơi. Nhưng bỗng thấy vô duyên, thấy nhạt nhẽo, trống vắng quá bởi vì... không có nàng! Gia đình nàng đã chuyển đi một tỉnh khác. Nàng đi không một lời tạm biệt hoặc có tạm biệt hay không tôi không còn nhớ. Chỉ biết rằng, dưới gốc cây cột điện từ ấy không có nàng. Đám con trai tưởng thân nhau đến chết tự dưng rã đám. Sự việc đó là một ví dụ tốt cho mệnh đề triết học sáng ngời: Người đàn bà có thể tập hợp hoặc làm tan rã thế giới.

- Hắn viết như thế thật ư? - Tôi tẩn mẩn hỏi lại vì không thể tin được câu khẩu hiệu ấy lại là nội dung của bức thư tình.

- Nếu là cậu thì cậu viết gì nào? - Người đàn bà sắc sảo chuyển sự trả lời bằng các câu hỏi vặn một cách thân ái uy quyền ấy ban cho tôi một cái nhìn ý nhị.

Phải, nếu là tôi thì tôi viết gì nào?

Cuộc nói chuyện bị cắt ngang bởi một đứa nhỏ từ đâu chạy lại ôm chầm lấy nàng.

- Cháu ngoại mình, nàng nói, cháu chào ông đi. Đây là bạn học ngày xưa của bà.

Từ cái miệng nhỏ xinh của con bé vút lên một tràng tiếng tây. Có lẽ nó muốn nói: cháu chào ông ạ? Chà nó giống nàng như đúc nhưng trông có vẻ tợn tạo hơn trong chiếc áo phông thời đại, in hình sặc sỡ. Liệu có chú nhóc nào đã... "kính gửi..." và hô khẩu hiệu "tình hữu nghị đời đời bền vững..." đối với cô bé này không?

Đặng Ái

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC