Dì hậu

Tóm tắt: - Câu chuyện do người cháu, gọi bà Hậu bằng dì kể. Dì Hậu vốn là người con gái đẹp có tiếng ở làng Chùa, một vùng quê Bắc Bộ. Năm 1954 dì bỏ trốn gia đình vào Nam, vì phải lòng một sĩ quan trong quân đội Pháp......

 Hai mươi mốt năm sau, tôi mới gặp dì Hậu. Cuộc hội ngộ trùng phùng không phải ở thành phố quê nhà mà ngay giữa Sài Gòn. Lúc ấy, tôi đã là một anh lính giải phóng kỳ cựu ở chiến trường, nếm đủ mùi cay cực. Tôi còn sống, cũng là điều may mắn. Ngày tôi tới được Sài Gòn, thành phố đã giải phóng 3 tháng. Chồng dì tôi đã chết trận, dạo Mậu Thân. Dì Hậu bảo thế, tôi biết vậy không hỏi thêm. Hai mươi năm xa dì, khoảng thời gian đằng đẵng ấy đủ để đẩy dì và tôi theo những nẻo đường khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Thực sự dì và những đứa con của dì có một cuộc sống riêng. Tôi cũng vậy. Thế giới của tôi là những người bạn lính. Đứa chết, đứa còn sống, sau những ngày giao tranh ở Huế, Đà Nẵng(...)

... Một buổi chiều, dì Hậu vào phòng tôi. Thấy tôi còn đọc sách, dì hỏi: "Sao cháu của dì có vẻ không vui?" "Dì ạ! Mai cháu xin phép dì cho cháu về đơn vị. Họ chỉ cho cháu đi 3 ngày!" Tôi trốn câu trả lời. Dì Hậu ngồi xuống bàn vuốt tóc tôi, nhìn tôi một hồi lâu. Dì bảo: "Tội nghiệp cháu... Thế mà đã hơn 20 năm rồi". Tôi im lặng. Nhưng tôi biết dì tôi nhớ tới cái ngày dì lừa ru cho tôi ngủ để trốn đi. "Dì còn nhớ quê hương không?" "Nhớ! Nhớ lắm cháu ạ... Nhiều đêm dì nằm khóc nhớ ông bà, các bà và mẹ cháu nữa". "Bây giờ dì có thể về thăm quê. Đất nước thống nhất rồi". - Tôi bảo dì vậy. "Chưa được cháu ạ. Dì còn phải đi xa...". "Dì đi đâu?" Dì Hậu không trả lời tôi, thẫn thờ đứng dậy nhìn ra ngoài mặt sông. Ráng chiều đỏ rực. Nước sông như loang tím, từng mảng lục bình trôi vật vờ chao đảo theo con sóng táp vào bờ. Chợt dì Hậu quay lại nhìn tôi. "Cháu muốn xin dì cái chi nào?" Tôi khẽ lắc đầu: "Cháu còn đang tại ngũ. Dì có cho cháu cũng không dám nhận. Được gặp lại dì là cháu mừng lắm rồi. Nếu có thể dì cho cháu con chim cu gáy. Cháu mang về Huế treo chơi, đỡ nhớ nhà...".

Con chim cu gáy của dì Hậu cho ở với tôi vừa được 6 tháng. Tôi giải ngũ chuyển ngành đi học. Ngày nhận tờ quyết định đi học trong tay, tôi đã bóp bẹp cái lồng quả nhót, thả con chim cu gáy về lại với cánh đồng đang mùa gặt.

Kỳ nghỉ tết năm 1976, về quê tôi nghe bác Hà kể: Dì Hậu đã mang theo mấy đứa con và cả thằng Hàn vượt biên trốn ra nước ngoài. Dì Hậu xuống Rạch Giá đi thuyền qua ngả Thái Lan rồi qua Mỹ...

Tôi nghe lòng buồn rười rượi. Chẳng hiểu vì sao dì tôi phải trốn đi nước ngoài? Tôi không hiểu được. ừ, như mấy đứa con trai con gái,, con rể của dì chúng đã quen với lối sống Mỹ, chẳng ưa gì cách mạng, thôi thì đành nhẽ. Còn dì tôi... Dì bỏ cả nhà cửa, mồ mả chồng con, tổ tông để sống nơi đất khách quê người. Đứng giữa cánh đồng lành Chùa trơ chân rạ, tôi muốn hét to lên rằng: Dì ơi! Hàng vạn những đứa như con đã chết để mong ngày đất nước thống nhất! Sao dì nỡ bỏ đi.Mấy chục năm sau đó, bà Hậu từ Anh quốc tìm về quê hương...

... Mọi người chẳng phải đợi lâu. Dì Hậu về làng vào lúc 6 giờ tối. Chỉ nửa tiếng sau, nhà bác Tắt râm ran có khách. Con cháu nội ngoại, các bà các cô xưa kia từng là bạn bè của dì Hậu. Người đến thăm hỏi chia vui với dì, người tò mò muốn xem lại cái "cô Hậu lột giời rơi xuống" chẳng biết sợ ai, nay ra sao. Tắt cả đã nên ông nên bà. Trên khoảng sân lát gạch nhà bác Tắt một ngọn điện được thắp sáng. Chiếu hoa rải san sát có sẵn những bộ cốc chén uống trà. Đám trẻ con rồng rắn kéo đến chơi la hét om sòm ngoài ngõ, chạy đuổi nhau rần rật trong sân. Chúng được dì Hậu cho kẹo. Vài đứa lớn rỉ tai nhau không tin đấy là một Việt kiều từ Anh quốc trở về: "Bà già cổ bỏ xừ, còn thua xa mấy anh chị đi lao động ở Đức".

Đúng thế thật! Dì tôi đã ở ngoài tuổi 60, về quê dì chỉ mặc tấm áo màu gụ, quần láng đen, không son phấn, tóc búi tó sau lưng ló ra nhiều sợi bạc. Lúc mới về nhà, dì Hậu đã xin phép bác Tắt cẩn trọng thắp tuần nhang lên bàn thờ tổ tiên.

Buổi sáng hôm sau, tôi được bác Hà phân công đưa dì Hậu ra mộ. Tôi chở dì trên chiếc xe Honda cũ kỹ, nhưng máy còn tốt. Khu mộ của dòng họ Nguyễn ở ngoài cánh đồng làng Chùa, ngay trước cửa đình. Con đường đá xưa kia gồ ghề nhiều ổ gà nay được mở rộng, trải nhựa. Lớp lớp những ngôi nhà hai ba tầng mọc lên quay mặt ra đường dựng nên phố mới. Đến gốc cây si già đầu cống dì Hậu bảo tôi dừng lại, xuống xe. Dì muốn đi bộ. Biết tôi nay đã trở thành một nhà báo, dì bảo: "Hôm nào rảnh rỗi, dì sẽ kể chuyện cuộc đời di để cho cháu viết truyện". Chẳng hiểu nghĩ sao dì lại nói: "Dì biết cháu là người có học, tự trọng, không phải như anh Từ, anh Chiêu...". Tôi lảng chuyện: "Dì có thấy làng mình khác xưa không?". "Khác nhiều cháu ạ. Làng ta xưa kia chỉ có hai cái nhà ngói của ông Quản Dư và ông Giáo Kiểm. Tháp canh trại lính đóng ở chùa cao nhất làng... Đêm nào lính cũng đứng trên bốt canh bắn ra ngoài cánh đồng. Có bữa dì ra ngoài chợ Tông họp với mấy anh, lúc lội ruộng về tới đầm sen suýt nữa bị chúng bắn chết...".

Tôi không tiện hỏi dì "anh nào" và "đi họp" về cái gì, càng không muốn khuấy động những hoài niệm của dì về một miền quê, nên im lặng.

Đến bên mộ ông bà ngoại, tôi thắp bó nhang và trao cho dì Hậu. Tôi đứng sau lưng dì một bước, chắp tay. Tôi không tin ở tai mình khi nghe dì Hậu khóc: "Lạy Trời, lạy Phật mớ bái. Con xin cúi đầu lạy vong hồn thầy mẹ sống khôn chết thiêng soi thấu lòng con. Vì việc dân việc nước, thân gái dặm trường con phải rời xa quê nhà, để thầy mẹ sớm hôm ưu phiền. Nay con hoàn tất nhiệm vụ trở về thì thầy mẹ đã không còn nữa... Con cúi đầu xin vong linh thầy mẹ tha thứ...".

Dì Hậu khóc. Và tôi cũng khóc. Bốn mươi tuổi có dư, trước dì tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ.

Buổi tối, dì Hậu kêu nhức đầu đi nghỉ sớm. Dì nằm với mẹ tôi một giường. Hệt như thuở xưa vào những dịp bố tôi có công chuyện phải đi buôn bán xa nhà dăm bảy ngày, dì lại vào ngủ chung với mẹ tôi. Lấy cớ sợ ma, nhưng kỳ thực dì vào nằm để nói chuyện hoặc đọc cho mẹ tôi nghe từng đoạn dài "Tây Thi cống Hồ". Tôi nằm kẹp ở giữa ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Quãng gần sáng, chợt dì Hậu vùng dậy, hét lên một tiếng. Mẹ tôi thức giấc. Người dì đẫm mồ hôi lạnh. "Chị ơi! Hình như em nghe như có tiếng chuông". "Phải, tiếng chuông nhà thờ gọi người đi lễ dì ạ. Còn sớm, mới bốn giờ, dì ngủ thêm một lúc nữa". "Ngày ở Sài Gòn, đêm nào em cũng thức giấc vào giờ này chị ơi. Cạnh nhà em cũng có một nhà thờ nhỏ. Mỗi lần nghe chuông nhà thờ gióng lại nhớ đến quê. Chị có nhớ ngày bé, bằng tầm này bu đã khua hai chị em mình trở dậy nổi lửa vắt bún...". "Tôi nhớ dì ạ. Ngày ấy sao mà khổ thế. Trời giêng hai rét như cắt ruột... Ngày bà mất cứ gọi tên dì, bắt thằng Công phải đi tìm dì về cho bà...".

Một lúc sau, không thấy tiếng hai bà nói chuyện nữa. Trong bóng tối, tôi nghe tiếng dì Hậu thở dài.

Sáu giờ sáng hôm sau, dì Hậu mất. Dì không trối trăn. Không rên la. Dì đi nhẹ nhàng như chìm sâu vào trong một giấc ngủ say. Nét mặt tươi, mãn nguyện.

Đám tang của dì Hậu được cử hành theo nếp cũ của làng tôi. Con cháu trong dòng họ đủ sức thuê cả chục xe ca chở người đi đưa tang dì, nhưng bác trưởng Tắt gạt hết. Ông đi coi thầy xem giờ liệm, rồi cho mời đội kèn, đội trống phường bát âm về tại nhà. Linh cữu của dì Hậu được đặt lên cỗ xe tang bánh gỗ.. Người đưa đám ma dì Hậu đi bộ hàng nửa cây số dọc theo con đường đá của làng Chùa. Cờ phướn rợp một quãng dài.

Mỗi lần về quê tôi thường ra thắp hương cho dì Hậu. Dì nằm gần kề với mộ bố tôi và bà ngoại. Trong khoảng không bao la của trời đất, giữa một vùng mộ trắng xoá tôi giật mình nghe tiếng cười ròn tan của dì. ấy là dì Hậu vừa lừa được mẹ tôi, bà Giáo Chức trong ván bài tam cúc, kết đôi xe hồng.Tôi mở bừng mắt, nhìn quanh quất. Đồng làng Chùa vắng ngắt. Trên bờ mương xa xa, chỉ có mỗi ông Tài chùm hụp trong chiếc áo mưa bạt sơn cũ dắt con bò vênh sừng gặm cỏ. Ông là người của làng cử ra trông coi mồ mả./.

Đỗ Kim Cuông

Vài nét về tác giả:

Sinh năm 1951 tại Thái Bình

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC